Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Những mái ấm đặc biệt cho trẻ em DTTS

PV - 11:27, 01/06/2018

Nằm ngay trong Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có một khu nhà được đặt tên: Ngôi nhà hy vọng.

Ngôi nhà này là nơi nuôi dưỡng, giáo dục cho gần 100 trẻ em nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi người dân tộc thiểu số, trẻ tàn tật. Dẫu mỗi em một hoàn cảnh riêng nhưng khi được về sống ở đây đều nhen nhóm lên nhiều khát vọng về một tương lai tươi sáng.

Bài 2: Có một ngôi nhà mang tên hy vọng

Vượt lên số phận để học chữ

Khác với những trường học chính quy, những ngày cuối tháng 5/2018, những đứa trẻ trong Ngôi nhà hy vọng vẫn miệt mài đánh vật với con chữ. Lớn nhất ở Ngôi nhà hy vọng là em Trần Văn Hữu. Hữu chia sẻ rằng: Ở đây chúng em được dạy chữ và nhiều thứ khác, được học nấu ăn, được học cách chăm sóc bản thân mình… Trong ngôi nhà có bạn thì bị điếc, có bạn bị mù, có bạn ở tận các vùng hẻo lánh, vùng dân tộc mà không còn ai thân thích nữa…Vào đây, chúng em được tận tình chỉ bảo cách học chữ nên bừng thức khát vọng sống và vươn lên.

Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng trong các buổi giao lưu, các em đều tự tin bày tỏ khát vọng về tương lai. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng trong các buổi giao lưu, các em đều tự tin bày tỏ khát vọng về tương lai.

Dẫu lớp học dạy dỗ nhiều lứa tuổi với nhiều dạng khuyết tật, hoàn cảnh khác nhau nhưng khi vừa hết giờ giải lao, nghe cô giáo thông báo vào lớp là tất cả vào lớp ngồi ngay ngắn giở sách vở ra tập đọc. Các giáo viên ở Ngôi nhà hy vọng phải làm nhiều nhiệm vụ trong một buổi dạy như: đang giảng bài lớp 4 lại phải quay sang hướng dẫn các em lớp 1, hay đang dạy làm toán lớp 3 thì phải quay sang dạy tiếng phổ thông cho các em người Raglai…

Cô giáo Hồ Thị Lệ Hoàng tâm sự: Lớp học nhiều độ tuổi, mỗi em một tính nên phải hiểu rõ đặc điểm của từng em để dung hòa các em lại với nhau. Như em Cao Thị Mén (người Raglai ở Khánh Vĩnh có bố mẹ mất vì tai nạn) khi mới được đưa vào trung tâm bị tự kỷ rất nặng, em chỉ lầm lì, không nói được tiếng phổ thông. Nhưng sau một thời gian, được cô giáo và các bảo mẫu chăm sóc, dạy bảo tận tình thì em đã nói được, học được một số chữ và dần hòa nhập với tất cả mọi người. Không chỉ riêng Mén mà nhiều em bị khiếm thính, mồ côi cũng rơi vào cảnh rụt rè, tự kỷ nên các cô giáo và bảo mẫu vẫn hay trò chuyện, chia sẻ, an ủi để các em sớm hòa nhập.

Các em mồ côi, khuyết tật đang trong giờ học ở Ngôi nhà hy vọng. Các em mồ côi, khuyết tật đang trong giờ học ở Ngôi nhà hy vọng.

Cô Bùi Thị Thủy người đã giảng dạy lâu năm trong Ngôi nhà hy vọng chia sẻ: Các em đều có hoàn cảnh đáng thương, phải chịu những thiệt thòi khi không có nhiều cơ hội để thể hiện mình trong các hoạt động xã hội như bao đứa trẻ lành lặn khác. Ngoài ra các em còn thiếu sự đùm bọc của gia đình, tình thương yêu của cha mẹ. Vì thế các cô trong Ngôi nhà hy vọng luôn hết mình dạy dỗ, yêu thương các em để phần nào hàn gắn vết thương của số phận, vơi đi nỗi đau mà những trái tim bé bỏng đang gánh chịu.

Thắp lên những khát vọng

Là những học sinh đặc biệt nhưng nhiều em trong Ngôi nhà hy vọng sớm bộc lộ những năng khiếu riêng. Em Nguyễn Văn Chương có năng khiếu đánh đàn guitar nên lớp học sắm luôn mấy cây đàn để các em tập luyện lúc rảnh rỗi, Chương ước mơ rồi mình sẽ thành một người đánh đàn chuyên nghiệp sau này có thể tự lập cho bản thân. Em Nguyễn Thị Huyền dù bị khuyết tật ở tay nhưng lại có giọng hát cao vút, trong trẻo nên ước mơ làm ca sĩ, làm người dạy nhạc. Từ khi sinh ra đã không thấy ánh sáng mặt trời nhưng em Đặng Hữu Sơn cũng sớm đam mê ca hát. Sơn bảo: sau những giờ học chữ nổi, các cán bộ trung Trung tâm bảo trợ xã hội thường xuyên cho các em đi giao lưu, đi biểu diễn ở các lễ hội vừa có thêm quà cáp vừa thấy cuộc sống vui tươi hơn.

Tiến sĩ Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các cháu sống và học tập trong Ngôi nhà hy vọng được chúng tôi dành sự quan tâm rất đặc biệt vì phải dạy cho các em tất cả mọi thứ. Trong số gần 100 em thì chúng tôi chia làm 2 lớp. Nếu em nào học tốt thì gửi vào các trường cấp 1, cấp 2 chính quy trên địa bàn TP. Nha Trang để các em tiếp tục giấc mơ vươn lên của mình. Hằng tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu các em được học văn hóa và tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ngoài việc học tập, Ngôi nhà hy vọng còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm khuyết khích, phát huy năng khiếu, kỹ năng sống, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng như các chương trình: Hội trại hè, liên hoan văn nghệ cho trẻ khuyết tật… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình hướng nghiệp, dạy nghề cho các em.

ĐÔNG HƯNG - MỸ NGA

Tin cùng chuyên mục