Hơn 6h tối, Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) đã sáng đèn chờ những học viên đặc biệt của làng Ia Lang đến lớp. Như thường lệ, cô giáo Dương Thị Kiếu, Giáo viên lớp 4, đã có mặt để chuẩn bị những bài giảng và đón các học viên.
Đưa đôi tay nắn nót từng nét chữ, bà H’Chunh (67 tuổi) ở làng Ia Lang vui mừng cho biết: “Ngày trước do mẹ mất sớm, gia đình khó khăn, nên tôi không được đi học chữ. Sau này lớn lên, lập gia đình thì phải lo lắng cơm áo gạo tiền nên không có thời gian học. Vừa qua, được thôn đi vận động tham gia lớp học này tôi cũng rất mừng và nhanh chóng đăng ký để học. Đến nay, tôi đã biết viết tên mình, biết các con chữ và số. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đến lớp đầy đủ để có thể đọc thông viết thạo".
Bên cạnh bà H’Chunh là H’Nư. H’Nư năm nay 7 tuổi và là cháu ngoại của bà H’Chunh. Thấy bà mỗi tối đều đi học, H’Nư cũng theo bà đến lớp để học thêm cái chữ. “Thấy cháu thích đến trường tôi vui lắm. Vì vậy, sau bữa cơm chiều hai bà cháu lại dắt nhau đến lớp cho đến khi tan học”, bà H’Chunh phấn khởi nói.
Cô giáo Dương Thị Kiếu thông tin: Lớp học chữ đã được duy trì 13 tuần, thời gian học từ thứ Hai tới thứ Sáu hằng tuần.. Ban đầu số học viên ra lớp khá đông, nhưng vì điều kiện độ tuổi, sức khỏe nên số học viên giảm dần. Hiện nay, lớp học đang duy trì với 30 học viên. Qua các tuần học, thì các học viên đã biết viết đạt 100%, trên 50% đã biết đọc và đánh vần.
Nhiều tháng nay, lớp học của trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á ,Tp. Pleiku) cũng sáng đèn và vang vọng những tiếng ê a đánh vần. Lớp học có 100% học viên là người Gia Rai. Học viên lớn nhất của lớp cũng ngoài 64 tuổi, nhỏ nhất chừng độ 25 tuổi.
Sau bữa cơm chiều, ông H’Yên làng Mơ Nú (xã Chư Á) lại cùng những người trong làng đến trường Tiểu học Lê Lai để học chữ. Theo chia sẻ của ông H’Yên, ngày nhỏ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cùng với việc chưa ý thức được việc học, nên ông không biết mặt con chữ.“Không có điều kiện học chữ từ nhỏ, lớn lên thì lập gia đình lo mưu sinh nên mình cũng không học. Vừa qua, khi được Trưởng thôn vận động đi học thì tôi cũng tham gia, với hy vọng biết thêm được cái chữ để tự tin hơn trong giao tiếp và làm ăn”.
Cùng chung lớp học với ông H’Yên, chị H’Then phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày đi học đến nay thì mình đã biết viết họ tên, biết đọc và biết các con số. Ngày trước không biết chữ thì nhìn cái gì cũng không hiểu. Nay về nhà cầm tờ báo, cuốn sách hay dòng chữ chạy trên ti vi thì cũng biết được là chữ gì rồi. Dù chưa thành thạo, còn phải học nhiều, nhưng chúng tôi cũng rất cố gắng, nỗ lực đi học đầy đủ để hy vọng đọc thông viết thạo, sau này còn biết tính toán làm ăn tránh bị lừa đảo".
Thầy Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết: Thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện chỉ đạo của các cấp, Nhà trường đã phối hợp với thôn làng rà soát người đồng bào DTTS vận động học viên từ 15 - 60 tuổi ra lớp xóa mù chữ và tái mù. Thời điểm đầu vận động chỉ có 17 học viên, đến bây giờ sĩ số đã nâng lên 23.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả xóa mù chữ, hướng đến năm 2025 người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%, theo kế hoạch thực hiện giai đoạn I (2021 - 2025), tỉnh Gia Lai tổ chức 735 lớp học xóa mù chữ cho gần 23.500 người/176 xã, với kinh phí hơn 46,5 tỷ đồng.
Trong năm 2023, với kinh phí 12,9 tỷ đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí về các địa phương thực hiện xóa mù chữ, với số lượng 217 lớp học cho 6.502 học viên.
“Chương trình xóa mù chữ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chia làm 3 kỳ tương ứng với 42 tuần. Giai đoạn 2 chia thành 2 kỳ tương ứng với lớp 4 và lớp 5 thì sẽ kết thúc chương trình xóa mù chữ. Nhà trường cũng bố trí phòng học đầy cơ sở vật chất cho các học viên. Phân công giáo viên đứng lớp phù hợp với từng giai đoạn và công tác giảng dạy", thầy Lê Minh Tùng cho biết.
Những lớp học xóa mù chữ được triển khai sâu rộng trong vùng đồng bào DTTS, là một chương trình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa. Gác lại những gánh nặng, lo toan của cuộc sống những học viên lớn tuổi bắt đầu cầm cây bút trên hành trình tìm con chữ. Việc xóa mù chữ cho người dân, sẽ giúp nâng cao trình độ dân trí của vùng đồng bào DTTS. Từ đó, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi các hủ tục và mang ánh sáng của những tiến bộ khoa học - kĩ thuật về với thôn, làng, đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM tại địa phương.