Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “lỗ hổng” trong quản lý rừng và đất rừng ở ĐăK Nông

PV - 14:14, 29/05/2019

Để phát huy tài nguyên đất và rừng, thời gian qua, tỉnh Đăk Nông đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng có không ít vấn đề xảy ra xung quanh một số dự án khiến dư luận bất bình.

Rừng thông ở xã Quảng Sơn giao cho Công ty TNHH Nguyên Vũ đã bị đốn hạ để lấy đất. (Ảnh tư liệu) Rừng thông ở xã Quảng Sơn giao cho Công ty TNHH Nguyên Vũ đã bị đốn hạ để lấy đất. (Ảnh tư liệu)

Bài cuối: Hậu quả của sự tùy tiện

Doanh nghiệp cần là cấp

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Đăk Nông đồng ý chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (gọi tắt là Công ty Trường Thành) khảo sát địa điểm để lập dự án đầu tư trồng rừng, trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa trên địa bàn 2 xã Đăk Ha và Quảng Sơn (huyện Đăk Glong). Trong Báo cáo số 1549/BC-SNN, ngày 04/12/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đăk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đăk Nông cho Công ty Trường Thành triển khai dự án trên diện tích 822,4ha tại các khoảnh 5,8-Tiểu khu 1620 và các khoảnh 1,2,3,4,5,6,7,8-Tiểu khu 1630.

Ngày 24/12/2014, Công ty Trường Thành có Tờ trình số 07-TT/NLN.TT gửi UBND tỉnh Đăk Nông để xin thêm diện tích để thực hiện dự án. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Đăk Nông giao thêm 300,6ha tại các khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697, các khoảnh 1,2,3,6,7-Tiểu khu 1685; các khoảnh 4,6-Tiểu khu 1686 và một số khu đất liền kề xung quanh. Công ty Trường Thành khẳng định, dù đây là diện tích xin tăng thêm nhưng rất cần thiết đối với dự án.

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như 300,6ha đất và rừng tại các Tiểu khu 1697, 1685, 1686 là “đất sạch’. Nhưng từ năm 2014 trở về trước, đất và rừng tại các Tiểu khu này đã được cơ quan có thẩm quyền xã Đăk Ha và huyện Đăk G’long giao cho hàng chục hộ gia đình quản lý, bảo vệ và thực hiện các dự án trồng rừng.

Trong đó có một số diện tích tại các khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 và các khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 đã được Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha giao cho hai ông Trần Minh Tuấn và Hoàng Văn Đào ký hợp đồng trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP từ tháng 10/2014; thời hạn hợp đồng là 29 năm (đến năm 2043). Ngoài ra, ông Phạm Xuân Sáng, Đội trưởng Đội An ninh nông thôn-Công an huyện Đăk G’long, cũng tham gia góp vốn trồng rừng trong hợp đồng này, nhưng không đứng tên.

Nhiều dự án giao đất-rừng ở Đăk Nông chưa phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Khu công nghiệp BMC ngay sát Quốc lộ 28-xã Đăk Ha, huyện Đăk G’long nhiều năm nay bỏ hoang) Nhiều dự án giao đất-rừng ở Đăk Nông chưa phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Khu công nghiệp BMC ngay sát Quốc lộ 28-xã Đăk Ha, huyện Đăk G’long nhiều năm nay bỏ hoang)

Và hậu quả...

Mặc dù đất và rừng tại các khoảnh 1,3-tiểu khu 1697, các khoảnh 1,2,3,6,7-tiểu khu 1685; các khoảnh 4,6-tiểu khu 1686 đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án trồng rừng nhưng từ tháng 3/2015, UBND tỉnh Đăk Nông vẫn chủ trương thu hồi để giao cho Công ty Trường Thành; do đó các hộ gia đình đã được giao đất và rừng khiếu nại. Nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền các cấp của tỉnh Đăk Nông với các hộ dân có đất và rừng bị thu hồi đã được tổ chức nhưng không tìm được tiếng nói chung do các hộ dân không đồng tình.

Theo Biên bản đối thoại ngày 08/10/2015, ông Phạm Văn Đức, một trong số các hộ dân có đất và rừng bị thu hồi nêu ý kiến: Ông đã bỏ ra 700 triệu đồng để mua lại đất canh tác, hiện (thời điểm tháng 10/2015-Pv) đã trồng được 3.000 cây muồng đen. Ông không nhất trí giao đất cho Công ty Trường Thành và mong “lãnh đạo xem xét, thương dân như con”.

Dù các hộ dân không đồng tình nhưng việc thu hồi đất ở các Tiểu khu 1697, 1685, 1686 vẫn được triển khai khiến tình hình khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đỉnh điểm, theo Báo cáo số 215/BC-STNMT ngày 15/8/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Nông, ngày 23/9/2015, 33 hộ dân thuộc bon Ting Wei Đăng, thôn 8, xã Đăk Ha đã tập trung về Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, khiếu nại việc thu hồi 300,6ha đất và rừng để giao cho Công ty Trường Thành.

Rừng thông cách Quốc lộ 28 chừng 200m, đối diện Trạm kiểm lâm và Đồn Công an Quảng Sơn bị phá tháng 10/2018. (Ảnh tư liệu) Rừng thông cách Quốc lộ 28 chừng 200m, đối diện Trạm kiểm lâm và Đồn Công an Quảng Sơn bị phá tháng 10/2018. (Ảnh tư liệu)

Tình hình khiếu kiện chỉ lắng xuống kể từ tháng 12/2016, khi Công ty Trường Thành ban hành Thông báo số 32/2016/TB-NLN.TT, ngày 04/11/2016 về việc chấm dứt dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao trên diện tích 300,6ha tại xã Đăk Ha, xã Quảng Sơn. Nguyên nhân chấm dứt dự án, theo thông báo của Công ty Trường Thành là do khó khăn về nguồn lực tài chính và biến cố về hội đồng quản trị.

Việc Công ty Trường Thành xin dừng dự án đã giải quyết được những bức xúc của các hộ dân đã được giao đất và rừng để quản lý, bảo vệ, thực hiện dự án trồng rừng tại Tiểu khu 1697, 1685, 1686. Nhưng cũng có một số gia đình đã phải gánh hệ lụy, theo cách gián tiếp hoặc trực tiếp.

Đáng chú ý là diện tích đất lâm nghiệp ở khoảnh 1 và 3-tiểu khu 1697, khoảnh 2 và 7-Tiểu khu 1685. Đây là diện tích đất trong tổng diện tích 300,6 ha mà Công ty Trường Thành xin UBND tỉnh Đăk Nông giao thêm. Dù những diện tích này đã giao cho những hộ dân khác để trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP về phủ xanh đất trống đồi trọc; nhưng do tỉnh “lỡ hứa” nên phải quyết tâm tìm mọi cách để thu hồi bằng được để giao cho doanh nghiệp (?!).

Như những kỳ báo trước đã phản ánh, từ tháng 10/2014, Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha đã giao diện tích đất lâm nghiệp ở khoảnh 1 và 3-Tiểu khu 1697; khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 cho 2 gia đình ông Trần Minh Tuấn và Hoàng Văn Đào nhận khoán trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thời hạn là 29 năm (từ 2014 đến 2043). Ông Phạm Xuân Sáng, nguyên Đội trưởng Đội An ninh nông thôn-Công an huyện Đăk G’long, tham gia góp vốn, nhưng không đứng tên. Ông Sáng là người biết chủ trương và xin dự án giao khoán đất-rừng tại các vị trí này cho Tuấn và Đào.

Nhưng bất ngờ, từ đầu năm 2015 (sau khi Công ty Trường Thành có Tờ trình số 07-TT/NLB.TT, ngày 24/12/2014-Pv), cả Hưng, Đào và Sáng đều vướng vào vụ án liên quan tội “Hủy hoại rừng” tại các vị trí đất đã được ký hợp đồng trồng rừng này. Sau đó, Đào bị tạm giam từ ngày 10/5/2015, Hưng bị tạm giam từ ngày 13/6/2015, Sáng bị tam giam từ ngày 16/3/2017.

Ngày 12/12/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đăk G’long đã có Bản án số 62/ số 62/2018/HS-ST, tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Sáng, sinh năm 1974, nguyên Đội trưởng Đội an ninh nông thôn-Công an huyện Đăk G’long 7 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Cùng chịu án còn có Hoàng Văn Đào, sinh năm 1989, dân tộc Tày (4 năm tù) và Vũ Việt Hưng, sinh năm 1982 (3 năm tù). Trong kỳ báo trước đã phản ánh, bản án số 62/2018/HS-ST của TAND huyện Đăk G’long đã xác định có nhiều sai sót, vi phạm về tố tụng nhưng vẫn quyết định tuyên án mà không trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nhiều dự án giao đất-rừng ở Đăk Nông chưa phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Khu công nghiệp BMC ngay sát Quốc lộ 28-xã Đăk Ha, huyện Đăk G’long nhiều năm nay bỏ hoang) Nhiều dự án giao đất-rừng ở Đăk Nông chưa phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Khu công nghiệp BMC ngay sát Quốc lộ 28-xã Đăk Ha, huyện Đăk G’long nhiều năm nay bỏ hoang)

Thay lời kết!

Những bất thường trong vụ án “Hủy hoại rừng” được tuyên trong Bản án số 62/2018/HS-ST của TAND huyện Đăk G’long rất cần được các cơ quan tư pháp, hành pháp của tỉnh Đăk Nông xem xét, làm rõ để tránh tình trạng oan sai. Nhưng qua vụ việc này, tỉnh Đăk Nông, huyện Đăk G’long cũng cần rà soát, kiểm tra lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ngoài tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra rất nóng bỏng thì việc các doanh nghiệp “núp bóng” dự án để phá, lấn chiếm và mua bán trái phép đất và rừng cũng rất trầm trọng.

Xin nêu một dẫn chứng: Kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Đăk Nông vào tháng 9/2018 đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại một số dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Điển hình như dự án nông, lâm nghiệp của Công ty Long Sơn ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) có quy mô đầu tư là 1.079ha, trong đó có 507,7ha rừng được giao khoanh nuôi quản lý, bảo vệ. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ 507,7ha rừng đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Hay dự án của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ tại xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’long) được giao 162,88ha rừng thông để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng. Tuy nhiên, thay vì quản lý, bảo vệ chặt chẽ thì đơn vị này lại liên tiếp để xảy ra những vụ việc tranh chấp, lấn chiếm rồi mua bán đất rừng trái phép. Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Đăk Nông đã phải ban hành Quyết định số 2126/QĐ-UBND, thu hồi 162,88ha đất và rừng của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ. Đây là bài học mà tỉnh Đăk Nông cần lấy làm kinh nghiệm sâu sắc để rừng không còn “chảy máu”.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.