Những ký ức khó nhạt phai
Từng là sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện sống và làm việc tại Mỹ, cựu du học sinh Lào, anh Sisouvong Malivankham vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp trong khoảng thời gian sống và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là sự chăm lo của các anh chị quản lý tại Ký túc xá sinh viên Lào (Quận 3) cùng tình cảm nồng hậu của các bạn học Việt Nam và người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Sisouvong kể lại, khi vừa đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, anh rất rụt rè và hạn chế tiếp xúc với người lạ do cách biệt ngôn ngữ, văn hóa. Nhận thấy điều này, Ban Quản lý Ký túc xá đã động viên, thuyết phục anh tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ do Ký túc xá tổ chức định kỳ, giúp anh hòa nhập tốt hơn với môi trường mới, đồng thời kết nối, phát triển thêm nhiều mối quan hệ bạn bè với sinh viên Việt Nam và quốc tế. Ký túc xá đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn tâm lý, giải đáp thắc mắc hoặc hỗ trợ những du học sinh gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Nhờ sự hỗ trợ, anh Sisouvong dần trở nên tự tin và chủ động tham gia nhiều chương trình, hoạt động dành cho sinh viên tại trường học và ký túc xá để rèn luyện kỹ năng sống, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Anh Sisouvong nhờ các du học sinh đồng hương đã sống tại Việt Nam nhiều năm cùng các bạn sinh viên người Việt giúp mình cải thiện vốn tiếng Việt để khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ, giúp anh học tập và giao tiếp dễ dàng hơn.
“Từ một du học sinh trẻ tuổi nhút nhát, thu mình, tôi đã trưởng thành, tự tin và sống mạnh mẽ giữa môi trường mới; thuận lợi hoàn thành chương trình Đại học. Tất cả đều nhờ có sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, ngành và sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Quản lý Ký túc xá, những người bạn Việt Nam và người dân Thành phố Hồ Chí Minh thân thiện, hiếu khách. Suốt bốn năm sống tại đây, Thành phố và Ký túc xá như trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi”, anh Siouvong chia sẻ.
Cũng như anh Sisouvong, bạn Lona Phengthongkham, du học sinh Lào đang học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, Ký túc xá sinh viên Lào như một ngôi nhà chung đậm tình hữu nghị với không gian sống chan hòa như một gia đình, giúp những du học sinh xa quê vơi bớt nỗi nhớ nhà và yên tâm học tập. Tại Ký túc xá, du học sinh được sử dụng Internet miễn phí, vừa hỗ trợ tìm kiếm thông tin phục vụ việc học, vừa có thể liên lạc với bạn bè và gia đình thường xuyên hơn. Vị trí Ký túc xá gần nhiều trường Đại học, gần chợ, công viên và nhiều quán ăn nên sinh hoạt hằng ngày thoải mái và rất tiện lợi.
“Đến ngày Tết Bun Pi May của các dân tộc Lào hoặc Lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay của Campuchia, các du học sinh lại có 5 ngày để cùng đón Xuân, được té nước như phong tục truyền thống, nấu các món ăn rồi mời các thầy cô, bạn bè người Việt đến ăn Tết chung. Cảm giác rất gần gũi, như đang được sống giữa quê nhà”, Lona chia sẻ.
Chị Ông Thị Ngọc Linh, Trưởng Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn, Giám đốc Ký túc xá sinh viên Lào Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 500 sinh viên trên tổng số gần 1.000 sinh viên Lào, Campuchia đang lưu trú tại Ký túc xá. Dù là cộng đồng riêng, sống cùng nhau nhưng các bạn du học sinh đã hòa vào dòng chảy chung của sinh viên thành phố mang tên Bác. Bên cạnh nhiệm vụ học hành, các bạn luôn sắp xếp thời gian để tham gia những chuyến khám phá, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam được tổ chức định kỳ hàng quý. Các bạn còn có mặt trong các chiến dịch tình nguyện cùng tuổi trẻ Thành phố, làm chiến sĩ tình nguyện trong vai trò phiên dịch khi chiến dịch Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng đến với nước bạn Lào và Campuchia.
Ấm áp từ những ngôi nhà Việt
Bên cạnh các khu ký túc xá, du học sinh Lào, Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh còn được tạo điều kiện trải nghiệm về cuộc sống, cảm nhận tình yêu thương, nét văn hóa, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam nói chung và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thông qua nhiều chương trình gia đình Việt Nam bảo trợ, đồng hành cùng du học sinh.
Theo ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình gắn kết sinh viên Lào, Campuchia với gia đình Việt mang nhiều ý nghĩa, bởi thông qua chương trình giúp tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhân dân các nước, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân Thành phố và du học sinh Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào - Campuchia.
Có thể kể đến chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Thành Đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố thực hiện; phong trào đỡ đầu du học sinh Campuchia ở Việt Nam mang tên “Ươm mầm hữu nghị” do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động…
Bạn Chann Sreylin, 22 tuổi, sinh viên Campuchia học ngành Dược tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhớ lại, bạn được một gia đình Việt Nam nhận bảo trợ từ đầu năm 2021, ngay khi vừa đặt chân đến Việt Nam không lâu, cho tới nay. Tuy không sống cùng gia đình bảo trợ mà ở ký túc xá nhưng Chann cho biết, “bố mẹ nuôi” của mình thường xuyên liên lạc để trò chuyện, hỏi thăm tình hình học tập và mời bạn đến nhà để nấu những bữa ăn truyền thống Việt Nam, giới thiệu với bạn về những nét văn hóa đặc sắc của người Việt, giúp bạn trau dồi tiếng Việt và làm quen với môi trường học tập tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, gia đình bảo trợ sẵn sàng giúp đỡ Chann bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, bố mẹ nuôi đã lập tức gửi cho Chann thực phẩm, nhu yếu phẩm và tiền để chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày; thường xuyên nhắn tin để động viên bạn trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhà trường, bạn bè hỗ trợ Chann hết lòng để từng bước vượt qua đại dịch. Những nghĩa cử đẹp này đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên với Chann.
Lun Leangchheng, du học sinh Campuchia đã có 3 năm là thành viên trong một gia đình Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ nuôi của Lun Leangchheng là bà Trương Thúy Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Vân Đồn (Quận 4). Trong thời gian ở với mẹ Uyên, Lun Leangchheng cảm nhận được tình cảm yêu thương của những thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa bạn với gia đình bảo trợ ngày càng thắm thiết.
“Sống xa gia đình, không có bố mẹ ở bên, từ khi đến Việt Nam, mình chưa bao giờ cảm thấy cô đơn hay lạc lõng nhờ tình yêu thương, chăm sóc và quan tâm hết lòng của mẹ nuôi”, Lun chia sẻ. Lun luôn được mẹ Uyên hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần. Điều đó tạo sự ấm áp, yên tâm cho Lun tự tin và hòa nhập khi sống ở Việt Nam, đồng thời thôi thúc bạn tích cực tìm hiểu, trao đổi văn hóa giữa hai đất nước Việt Nam - Campuchia.
Gia đình ông Trần Minh Tâm (ngụ tại Quận 3) bắt đầu tham gia chương trình nhận bảo trợ du học sinh người Campuchia từ 3 năm trước. Đến nay, gia đình ông đã nhận bảo trợ cho 4 du học sinh người Campuchia. Tình cảm của ông Tâm với đất nước chùa Tháp được kết nối từ cách đây hơn 40 năm khi ông là chiến sỹ của Mặt trận 479 quân tình nguyện Việt Nam. Hòa bình lập lại, ông Tâm cùng đồng đội về nước mang theo tình cảm gắn bó với Campuchia.
Khi phong trào “Ươm mầm hữu nghị” được khởi xướng, với lợi thế về tiếng nói cùng tình cảm sâu sắc sẵn có về tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Campuchia, ông Tâm và gia đình đã tích cực hưởng ứng phong trào, tự nguyện nhận đỡ đầu du học sinh Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy không sống chung nhà nhưng gia đình ông coi các bạn du học sinh như con cháu trong gia đình mình; tìm hiểu về nơi ở và tình hình học tập, động viên, hỗ trợ các bạn về tinh thần, vật chất tốt nhất theo khả năng của mình. Nhờ vậy, các bạn du học sinh đã nhanh chóng vượt qua những e ngại, lạ lẫm ban đầu để hòa đồng cùng gia đình ông, hòa nhập với cuộc sống mới một cách tự nhiên, thân thiết nhất.
Hiện nay, nhiều thế hệ lưu học sinh Lào, Campuchia đã hoàn thành chương trình đào tạo, trở về nước đã phát huy được năng lực, vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng nghề nghiệp, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước bạn. Qua đó, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa các nước Việt Nam – Lào – Capuchia nói chung và với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.