Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những giờ học ấm áp nơi cửa Phật

PV - 10:48, 19/07/2019

Một buổi sáng đầu tháng 7, chúng tôi ghé thăm chùa Lập Thạch (phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Ngôi chùa có không gian xanh mát, nằm nép mình bên dòng sông Thạch Hãn. Giữa chốn thiền tâm linh thiêng ấy vang lên tiếng học chữ và làm toán của hàng trăm học sinh. Đó là âm thanh quen thuộc suốt hơn 15 mùa hè đã qua mà mỗi khi nghe thấy, người dân lại vui mừng, biết ơn.

Học chữ, học đức
Tiếp chúng tôi ở một phòng khách nhỏ chỉ khoảng 15m2, thầy Thích Đạo Tri (SN 1979) - trụ trì chùa Lập Thạch cho hay, hơn 15 năm qua, cứ đến mùa hè nhà chùa lại tổ chức lớp học miễn phí cho các em học sinh có nguyện vọng. Trong những năm đầu, chùa tiếp nhận vài chục em. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh đăng ký cho con em mình học miễn phí tại chùa, có năm lên tới 400 học sinh.
Giáo viên dạy miễn phí ở chùa Lập Thạch với bầu nhiệt huyết, tận tâm và hết mực yêu thương học sinh. Ảnh: Ngọc Vũ Giáo viên dạy miễn phí ở chùa Lập Thạch với bầu nhiệt huyết, tận tâm và hết mực yêu thương học sinh. Ảnh: Ngọc Vũ
Thầy Thích Đạo Tri, trụ trì chùa Lập Thạch là người tâm huyết với việc mở lớp dạy học miễn phí để củng cố kiến thức cho học sinh vững bước sang năm học mới. Thầy Thích Đạo Tri, trụ trì chùa Lập Thạch là người tâm huyết với việc mở lớp dạy học miễn phí để củng cố kiến thức cho học sinh vững bước sang năm học mới.
Thế nhưng, vì điều kiện cơ sở vật chất của nhà chùa còn hạn chế nên bình quân mỗi năm chùa chỉ có thể mở 9 lớp với trên 200 học sinh từ lớp 2 đến lớp 9. Các em được thầy cô củng cố kiến thức sau một năm học với các môn toán, tiếng Việt, vật lý, tiếng Anh… Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa được nhà chùa tạo điều kiện cho ở lại, lo chu toàn ăn uống, nghỉ ngơi. Có thời điểm hơn 100 học sinh ở lại chùa, còn nay có khoảng 30 em.
Nguyễn Thị Vân Anh (trú xã Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị), sắp lên lớp 9, cho biết, em là con út trong gia đình nông dân có 4 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn, vốn kiến thức em tiếp nhận sau mỗi năm học còn hạn chế. Biết nhà chùa có lớp học miễn phí, gia đình đã cho Vân Anh tham gia từ năm lớp 3. Các anh, chị của Vân Anh cũng là học trò cưng của thầy cô giáo ở chùa Lập Thạch.
images2789112_62
Học sinh ở chùa Lập Thạch được học chữ, học đức, học Phật môn và võ thuật. Ảnh: Ngọc Vũ Học sinh ở chùa Lập Thạch được học chữ, học đức, học Phật môn và võ thuật. Ảnh: Ngọc Vũ
Đang ngồi nhặt rau cùng các bạn, khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, Vân Anh dạ thưa lễ phép rồi cho biết, nhà xa nên em được nhà chùa cho ở lại suốt những tháng hè để tiện việc học. 4 giờ sáng, Vân Anh cùng các bạn thức dậy vệ sinh cá nhân sau đó tụng kinh niệm Phật. Tiếp đó, các em tập thể dục, quét dọn chùa, rồi ăn sáng để lên lớp học. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, 14 giờ các em bắt đầu tự học đến 18 giờ thì ăn tối. Sau khi nghỉ ngơi, 19 giờ học sinh sẽ được thầy giáo dạy võ miễn phí, một tuần 3 buổi. Kết thúc học võ lúc 20 giờ 30, các em vệ sinh cá nhân, và đúng 21 giờ, như kỷ luật quân đội thì đi ngủ. Điều đặc biệt, các em không được tuỳ tiện dùng điện thoại để tránh ảnh hưởng việc học.
“Khi mới vào đây có nhiều bạn phá phách, nhác học, ham chơi game… Nhưng sau một thời gian được thầy cô dạy dỗ yêu thương, sinh hoạt theo đúng giờ giấc của chùa, tránh xa điện thoại nên đã tiến bộ rất nhiều. Ở đây chúng em được học chữ, học đức và còn được học võ để có sức khoẻ và phòng thân” – Vân Anh cho biết.
Nở nụ cười tươi, thầy Thích Đạo Tri cho hay, từ năm 2003 đến nay, nhà chùa đã mở hàng chục lớp học miễn phí, thu hút hơn 3.000 lượt học sinh tham gia.
Những giáo viên thiện nguyện
Không có người trong coi, cô giáo Hoàng Thị Hồng Gấm đem theo con nhỏ đến chùa Lập Thạch và dạy học cho học sinh. Không có người trong coi, cô giáo Hoàng Thị Hồng Gấm đem theo con nhỏ đến chùa Lập Thạch và dạy học cho học sinh.
Để đảm bảo việc dạy học, mỗi năm nhà chùa mời được khoảng 20 giáo viên thiện nguyện đứng lớp. Cô Nguyễn Thị Diệu Ái (trú làng Lập Thạch, Đông Lễ) là giáo viên lớn tuổi nhất dạy miễn phí ở chùa Lập Thạch. Năm 2003, sau khi về hưu, cô Ái vẫn tâm huyết với nghề dạy học. Nhìn thấy học sinh ở quanh làng còn yếu về kiến thức, cô Ái nảy ra ý tưởng dạy củng cố kiến thức cho các em. Đầu tiên, cô Ái dạy cho con em gia đình phật tử và các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Vài năm sau, nhờ sự giúp đỡ của chùa Lập Thạch nên các lớp học được mở rộng như ngày hôm nay.
Ở tuổi 73, cô Ái vẫn đứng lớp đều đặn, truyền đạt kiến thức môn toán cho học sinh với bầu nhiệt huyết như tuổi đôi mươi. Cô nói vui rằng: “Có được sức khoẻ như vậy là nhờ được ở với nghề, được lan toả tình thương của mình cho các em. Cô không sợ mệt, chỉ mong các em chăm ngoan, học giỏi là vui” – cô Ái tâm sự.
Cô giáo trẻ Hoàng Thị Hồng Gấm (SN 1987, trú TP.Đông Hà, đang là giáo viên Trường THCS Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) cho biết, năm 2009, khi vừa trở thành giáo viên cô đã tham gia dạy miễn phí môn toán ở chùa Lập Thạch cho đến nay. Trong mùa hè thứ 11 dạy học nơi đây, cứ mỗi tuần hai buổi cô Gấm lại bồng theo đứa con trai 3 tuổi đến chùa để truyền đạt kiến thức cho học sinh. “Đến đây tôi được cho đi những kiến thức mình biết và mang về cho mình niềm vui” – cô Gấm chia sẻ.
Vượt quãng đường 30km từ nhà ở xã Triệu Trung (Triệu Phong), cô giáo Thiều Thị Ngân Hà (SN 1989, hiện là giáo viên Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì, Đakrông) mang theo hai con nhỏ 3 và 5 tuổi đến chùa để tham gia dạy miễn phí. “Cứ mùa hè là có nhiều trung tâm dạy thêm mời nhưng mình vẫn quyết định đi dạy miễn phí. 6 giờ sáng mình xuất phát từ nhà đến chùa, dạy xong thì ở lại buổi trưa, đến chiều mát lại chở con về. Thấy mình làm việc ý nghĩa, dù biết vất vả nhưng chồng rất ủng hộ” – cô Hà tâm sự.
Trong số gần 20 giáo viên đứng lớp ở chùa Lập Thạch, cô giáo Nguyễn Thị Thuyết (giáo viên tiểu học ở huyện Đakrông) là người có con nhỏ nhất chỉ mới 8 tháng tuổi. Gửi con nhỏ cho ông bà nội ngoại chăm nom, cô Thuyết vượt chặng đường gần 30km từ xã Cam Chính đến chùa dạy cho các em. “Vì phải chăm con nhỏ nên mình không thể dạy liên tục ở chùa. Mình chỉ dạy mỗi khi có giáo viên nào đó bận việc không thể đứng lớp. Được truyền đạt kiến thức cho các em hiếu học, nhìn thấy các em tiến bộ từng ngày mình thấy mãn nguyện và yêu đời, yêu nghề hơn” – cô Thuyết nói.
Đã có 3 năm tham gia học tập tại chùa Lập Thạch, em Phạm Ngọc Thảo Nguyên - học sinh lớp 6 cho biết, mình đã tiến bộ rất nhiều trong việc học và có thêm kĩ năng sống, sự hòa đồng và tự tin.
Ở chùa Lập Thạch, ngoài được học tập, luyện rèn, các em học sinh còn được chăm lo chu đáo về ăn uống. Làm được việc này là nhờ tấm lòng thiện nguyện, phát tâm của rất nhiều người, trong đó có chị Trần Thị Thuyết (SN 1987, trú xã Triệu Trung, Triệu Phong). Năm 2012, trong một lần tới thăm chùa, chị Thuyết cảm phục việc làm thiện nguyện của nhà chùa, thầy cô giáo và sự hiếu học của học sinh nên quyết định hàng ngày vượt chặng đường 30km từ nhà đến chùa nấu ăn cho các em. “Được chăm lo mỗi bữa ăn cho các em học sinh tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn” – chị Thuyết nói.
Rời chùa Lập Thạch khi các em học sinh vừa kết thúc buổi học sáng, chúng tôi tạm chia tay quý thầy cô có tấm lòng bồ tát nơi đây và mang theo tâm niệm mà thầy Thích Đạo Tri chia sẻ. Mong sao có thêm nhiều lớp học miễn phí để giúp đỡ các em học sinh, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi còn nhiều thiếu thốn.
( baogialai.com.vn )
Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.