Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những Cựu chiến binh chữa cháy cơ động

PV - 11:04, 26/07/2019

Thời gian qua, người dân thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã quen với tiếng hú quen thuộc và hình ảnh chiếc xe chữa cháy mini màu đỏ đặc trưng của Đội chữa cháy cứu hộ, cứu nạn lưu động của lực lượng Cựu chiến binh luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm.

Thị trấn Lạc Dương cách TP. Đà Lạt khoảng 20km, bao nhiêu năm nay, công tác chữa cháy trên địa bàn hoàn toàn phụ thuộc vào lực lượng chuyên nghiệp từ thành phố ứng cứu. Tuy nhiên, do khoảng cách xa nên khi xe cứu hỏa đến nơi thì đám cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản của người dân. Trước tình hình địa bàn thường xuyên xảy ra hỏa hoạn, làm mất nhiều tài sản của dân, Cựu chiến binh Đặng Ngọc Hiệp đã đứng ra đề nghị các Cựu chiến binh thành lập Đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) của thị trấn làm nhiệm vụ sơ cứu ban đầu trong thời gian đợi lực lượng chữa cháy.

Năm 2017, Đội PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN) cơ động thị trấn Lạc Dương chính thức được thành lập. Ông Hiệp đã dùng ô tô 2 cầu của gia đình sơn màu đỏ đặc trưng, trang bị thêm một số thiết bị chuyên dụng để biến thành xe PCCC & CHCN cơ động, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm. Đồng thời, ông Hiệp phối hợp với UBND và Hội Cựu chiến binh thị trấn Lạc Dương “nâng cấp” Đội tự quản bảo vệ an ninh trật tự tại các tổ dân phố kiêm luôn việc tham gia chữa cháy khi có hoả hoạn xảy ra. Mỗi tổ dân phố bố trí 3 thành viên, gọi là Đội tự quản chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong khu phố, đồng thời tham gia chữa cháy.

Ông Đặng Ngọc Hiệp điều khiển xe cứu hỏa cơ động của Tổ Tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương. Ông Đặng Ngọc Hiệp điều khiển xe cứu hỏa cơ động của Tổ Tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương.

Để tham gia Đội chữa cháy cơ động này, các thành viên đã trải qua một khóa huấn luyện các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy do lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp tổ chức.

Khi có tin báo cháy được gọi qua đường dây nóng của Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền địa phương, các thành viên trong Đội sẽ gọi báo cho ông Hiệp hoặc những thành viên trong Đội, sau đó, xe chữa cháy được điều tới hiện trường. Các thành viên trong Đội liên lạc với nhau bằng bộ đàm để đến hiện trường tham gia dập lửa, hạn chế đám cháy lây lan ra xung quanh trước khi có xe chữa cháy chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát PCCC đến tiếp ứng. Xe chữa cháy nhỏ, thuận lợi cho việc tiếp cận những đám cháy trong khu dân cư hay những con đường nhỏ đặc thù của thị trấn miền núi. Đây cũng là một lợi thế trong công tác chữa cháy của Đội.

Nhận thấy mô hình hiệu quả, UBND, Công an huyện Lạc Dương và một số cơ quan khác đã đầu tư trang bị máy cao áp, 30 cuộn dây, 30 bình chữa cháy, 26 bình bọt và khí các loại và các thiết bị vận hành trụ cứu hỏa, vòi phun, thang dây, thang xếp, phao cứu sinh, hệ thống loa và các loại trang bị phục vụ chữa cháy. Các thành viên tham gia đều được tập huấn kỹ năng PCCC.

Từ Đội PCCC và CHCN cơ động, tháng 8/2018, mô hình “Tổ tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương” được thành lập. Cựu chiến binh Đặng Ngọc Hiệp cho biết: Tổ tự quản hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự xây dựng, tự đầu tư và tự quản lý với tiêu chí là chỉ huy tại chỗ; con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; học tập tại chỗ và không sợ hiểm nguy, không có thù lao.

Gần 2 năm hoạt động, Đội có 45 thành viên gồm những Người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, cán bộ nhà nước, thành viên các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức Đoàn Thanh niên, y tế, Cựu chiến binh, thanh niên, trung niên có sức khỏe, nhiệt tình tham gia. Phương tiện có chiếc xe U oát của ông Hiệp được cải tiến, trang bị các thiết bị chữa cháy.

Ngoài ra, Đội còn trang bị một chiếc Flycam để thăm dò, tìm kiếm nạn nhân đối với những nhà cao tầng. Qua đó, kịp thời ứng cứu nạn nhân bằng thang dây, mặt nạ chống độc, áo chống nhiệt… Chiếc xe rất linh hoạt đi vào các hẻm nhỏ, đường địa hình khó đi nên công tác chữa cháy hiệu quả. Đội đã nhiều lần tham gia cứu hộ chữa cháy và hỗ trợ các đoàn du lịch.

Tính từ khi thành lập đến nay, Tổ Tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương đã chủ động phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh kịp thời chữa cháy hơn 10 vụ cháy nổ, thực hiện thành công 8 cuộc cứu nạn, cứu hộ và tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền phòng chống cháy nổ…

Ông Sử Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Huyện đã đề nghị Công an trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cho Tổ tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương. Đến nay, chiếc xe của Đội cứu hỏa đồ nghề lính cứu hỏa đã khá đầy đủ phương tiện chữa cháy. Từ mô hình này, huyện sẽ nghiên cứu mở rộng ra địa bàn các xã lân cận nhằm phát huy hiệu quả PCCC theo phương châm 4 tại chỗ.

LÊ HƯỜNG - NGUYỄN LONG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.