Tâm sự về hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của mình, ông Đức bình thản nói: “Tôi tìm mộ không phải để mưu cầu lợi ích cá nhân mà để tri ân đồng đội, những người đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước hôm nay. Họ chính là linh hồn của Tổ quốc”.
Và cuộc hành trình ấy đến với ông như một điều hiển nhiên nhưng cũng đầy day dứt. Trở về từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam rồi bận rộn với cuộc sống mưu sinh cũng đã có lúc ông Đức tưởng như có thể quên được quá khứ bi thương đầy ám ảnh. Thế nhưng trong mỗi giấc mơ ông lại trăn trở về những người đồng đội. Rồi đến năm 2004, ông bắt đầu mắc chứng mất ngủ, cứ chợp mắt được vài giờ đồng hồ thì toàn mơ thấy những người đồng đội, những trận đánh ác liệt nơi chiến trường khói lửa năm xưa. Hình ảnh 17 người đồng đội kề vai sát cánh với ông trong trận chiến ác liệt tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) lại ùa về. Tỉnh cơn mê, những hình ảnh ấy khiến ông nhói đau, dằn vặt.
Sau gần 2 tháng trời liên tục bị mất ngủ, tháng 4/2004, ông Đức lẳng lặng gói gém đồ đạc vào chiếc balo bộ đội đã sờn, chuẩn bị 10 triệu đồng rồi nói dối vợ về thăm quê nội ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Nhưng ý định thực sự của ông là về thăm lại chiến trường xưa-cửa khẩu Xa Mát, nơi mà chính tay ông đã chỉ đạo công tác chôn cất những người đồng đội.
Theo thời gian, chiến trường năm xưa nơi ông và đồng đội đã từng đổ một phần xương máu giờ là những đồi cao su xanh bạt ngàn. Nhờ sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, Sở LĐTBXH tỉnh, ông Đức đã xác định được 17 bộ hài cốt của đồng đội đã được quy tập về nghĩa trang Châu Thành (Tây Ninh). Trong đó, 12 liệt sĩ có tên tuổi, quê quán đầy đủ, 5 người còn vô danh. Cũng trong chuyến đi kéo dài 10 ngày về thăm lại chiến trường xưa đó, ông Đức đã ghi chép lại thông tin của hơn 4.000 liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Châu Thành.
Sau khi trở về, ông Đức lao vào công việc viết thư, ghi chi tiết tên tuổi, quê quán, chiến trường, năm sinh, năm mất của từng liệt sĩ gửi về tận gia đình họ. 4.000 bức thư đã được ông Đức gửi đi trong suốt một thời gian dài. Không chỉ gửi thư, ông còn gửi danh sách liệt sĩ tới Đài Truyền hình, Phát thanh để thông báo đến nhân thân những người đã mất. Sau việc làm đầy ý nghĩa đó, hàng nghìn cuộc điện thoại, thư báo của các thân nhân liệt sĩ tỏ lòng biết ơn gửi tới ông.
Gần 15 năm nay, ông Đức đã nhận được hàng ngàn lời đề nghị tìm hài cốt liệt sĩ. Ông làm công việc này một cách tự nguyện, không lấy tiền của bất kỳ một ai, thậm chí ông đã mang rất nhiều tiền của nhà mình để thực hiện công việc đầy ý nghĩa này.
Ông Đức trải lòng, điều quý giá nhất ông nhận được sau những hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ chính là sự thanh thản. Mỗi bộ hài cốt được tìm thấy tâm hồn ông như lại được bù đắp, chứng mất ngủ cũng dần dần bị biến mất. Ông Đức vui mừng cho chúng tôi xem các tập ảnh lưu giữ lại những khoảnh khắc thiêng liêng khi tìm thấy những bộ hài cốt của liệt sĩ. Hơn 500 bộ hài cốt liệt sĩ, hàng trăm chuyến đi, tất cả đều thiêng liêng, ý nghĩa.
Mỗi cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với ông Đức. Ông tâm niệm rằng: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này, cho tới khi nào tôi không còn được thở trên cuộc đời này nữa”.
ĐÔNG XUYÊN