Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

PV - 08:01, 11/05/2022

Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ những năm gần đây đạt những bước phát triển tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hiệu quả hợp tác trong thời gian qua là nền tảng quan trọng đưa quan hệ hai nước ngày càng thực chất và mang tính chiến lược hơn.

Một hoạt động dành cho giới trẻ ở Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội. (Ảnh Đại sứ quán Hoa Kỳ)
Một hoạt động dành cho giới trẻ ở Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội. (Ảnh Đại sứ quán Hoa Kỳ)

Nhìn lại 27 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ có thể nhận thấy những bước tiến vượt bậc, nhất là trong tin cậy chính trị giữa hai nước. Việc thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và nhất là chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 là nền tảng và cơ hội để thúc đẩy quan hệ hai nước mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo hai nước duy trì tiếp xúc và điện đàm ở các cấp.

Mới đây, Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2021 và cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) bên lề Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 10/2021.

Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng; tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, y tế, năng lượng.

Kinh tế vẫn là lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích chung thực chất nhất trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Tính đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Hai bên tích cực triển khai kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Trong chuyến công tác vừa qua tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị gần 30 tỷ USD. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các ban, ngành liên quan của Việt Nam đều đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua để lắng nghe và chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, duy trì mức độ tin tưởng vào môi trường đầu tư-kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải. Hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ. Việt Nam hiện có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ. Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 37 triệu USD cho Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vay để xây trường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác y tế và ứng phó Covid-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vắc-xin, trong đó gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX. Hoa Kỳ cũng đã khai trương Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) khu vực tại Hà Nội.

Vượt lên tầm mức song phương, hai nước tiếp tục phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mê Công, Myanmar, Triều Tiên, phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.

Những bước tiến trong các mặt hợp tác hôm nay sẽ định hình quan hệ tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Với tư duy luôn hướng về phía trước, cùng sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực xây đắp tình hữu nghị và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện nhằm mang lại hòa bình và thịnh vượng cho cả hai nước.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.