Sống nhờ rong biểnBa đời gắn với nghề khai thác rong biển, lênh đênh trên sóng nước, ăn ngủ trên bãi bờ nhiều hơn ở nhà, ngư dân Trần Công Long (thôn Đông, xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) thổ lộ: “Không có rong biển thì nhiều đứa trẻ xã đảo này khó mà được đến trường. Rong giúp nhiều nhà mua ti vi, tủ lạnh, mua xe máy…vật chất sờ được, bày biện ra trước mắt là vậy, nhưng có được thành quả ấy, bao phen nước mắt ngư dân phải hòa chung nước biển”.
Nghề khai thác, sơ chế rong biển rộ nhất từ tháng 4 đến hết tháng 10 âm lịch. Sau khi định vị được vùng biển có nhiều rong, ngư dân chuẩn bị liềm cắt, găng tay, quần áo lặn, nước mắm cá cơm và dong thuyền ra biển lúc 2-3 giờ sáng. Một người ngồi trên thuyền đón rong, một người uống 200ml nước mắm và lặn xuống cắt rong. Khai thác rong cũng giống đánh cược, có chuyến thắng đậm, rong chất đầy thuyền, có chuyến không đủ tiền dầu.
Sát cánh bên chồng trong nhiều chuyến ra khơi, chị Trần Thị Nhung (vợ anh Long) chia sẻ, có kinh nghiệm dày dặn, nhưng nhiều phen thấy chồng run lập cập, người tái nhợt, nước mắt rỉ ra vì lặn mãi mà chỉ cắt được một mớ rong, thương lắm. Nhưng bi lụy là gục ngã nên thất bại chuyến này lại tính toán chuyến khác. Lần sau khảo sát kỹ hơn nên vợ chồng chị Nhung thu hoạch được trung bình 600kg rong tươi cho mỗi đêm ra khơi.
Sau khi sơ chế, phơi khô, còn khoảng gần 200kg rong khô, bán với giá 6000 đồng/kg thu về 1,2 triệu đồng, trừ tiền dầu, thuyền còn khoảng 900 ngàn đồng. Rong tự nhiên có hàm lượng dinh dưỡng cao nên ngày càng nhiều thương lái tìm đến Ninh Vân để mua.
Là thợ khai thác rong biển điêu luyện, ngư dân Trần Đức Tuấn (thôn Tây, xã Ninh Vân) cho biết: Ở xã này vào mùa khai thác rong biển, nhà nhà đều nói chuyện rong biển. Những đứa trẻ lên 5, lên 10 đã học cách phơi rong biển rồi. Nửa năm khai thác rong, còn nửa năm trồng tỏi. Cuối mùa, rong dài chờm lên mặt nước thì chỉ cần ngồi trên thuyền là giật được chứ không phải lặn xuống đáy biển. Có những bụi rong mọc trên tảng đá nhọn lởm chởm, sơ sẩy một chút là đá đâm toạc bao tay, rách thịt tóe máu.
Bầm dập, đau điếng nhưng chính rong biển đã tiếp sức cho nhiều đứa trẻ xã đảo này tự tin bước vào trường đại học với đầy đủ điều kiện như chúng bạn.
Ưu tiên bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Nửa đời làm nghề lặn biển đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, sức yếu không thể tiếp tục lặn sâu, ông Trần Văn Tích (xã Ninh Vân, Ninh Hòa) chuyển sang nghề khai thác rong biển. Ông nói quê ông tận Quảng Ngãi, trước vào Ninh Vân đi lặn thuê cho các thuyền lớn, giờ hai đứa con vào đại học, vợ chồng ông ngày đêm gắn với rong biển. Khi bước chân vào nghề, người khai thác phải cam kết không được dùng bất kể loại hóa chất nào có hại để bảo quản rong. Người này phát hiện bãi rong có đá nhọn, thì phải thông báo cho người khác biết để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Còn ngư dân Trần Văn Tùng khởi nghiệp từ Ninh Vân nhưng sau đó chuyển vào xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) sinh sống. Anh Tùng tâm sự: “Mình chuyển vào Nha Trang để tiện việc học cho con cái. Khi vào thì mang luôn kỹ năng khảo sát tìm kiếm rong biển tự nhiên cũng như cách sơ chế để truyền đạt lại cho hàng trăm người làm nghề khai thác rong biển ở Nha Trang”.
Có lần anh Tùng thấy vài người vì tiếc nuối mà phun chất chống thối vào hàng tấn rong tươi để chờ ngày nắng phơi tiếp. Vừa quyết liệt ngăn chặn, anh Tùng vừa làm cuộc đánh đổi rằng, nếu ai cam kết tuyệt đối không dùng chất chống thối phun vào rong, anh sẽ bày cách thu hoạch được sản lượng gấp đôi trong mỗi chuyến ra khơi. Từ đó, ở khắp khu vực Nha Trang cũng như các vùng lân cận, ai cũng tâm niệm phải bán rong sạch, rong an toàn vì đó là uy tín và nguồn sống của chính mình.
HÀ VĂN ĐẠO