Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhịp sống trở lại nơi vùng lũ Mường Lát

PV - 14:44, 24/09/2018

Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải gánh chịu trận lũ lịch sử lớn nhất từ trước đến nay. Cơn “đại hồng thủy” đã biến nơi đây thành ốc đảo hàng chục ngày trời, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng cả nước, đồng bào các dân tộc, nơi đây đang bắt tay xây dựng lại cuộc sống từ trong hoang tàn đổ nát.

vùng lũ Mường Lát Các lực lượng vũ trang luôn có mặt kịp thời để giúp dân vùng lũ khắc phục thiệt hại. (Trong ảnh: Đơn vị Bộ đội số 3, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 khôi phục lại cây cầu ở xã Quang Chiểu).

Xã Quang Chiểu sau mưa lũ, chỉ còn sót lại một vài bể nước sinh hoạt nằm trơ trọi bên nền bãi đất trống. Vị trí này, đã từng là mái ấm của nhiều gia đình trước khi lũ xảy ra. Ông Hà Văn Ngói, bản Bàn nghẹn ngào kể: nước lũ dâng cao, ngôi nhà của ông bị chìm trong biển nước. Ông bảo, trận lũ diễn ra thật kinh hoàng; năm nay tuổi ông đã cao lại là người tàn tật, ông còn sống qua được lần này là may mắn lắm. Sau lũ, chính quyền địa phương, và bà con nhân dân trong bản giúp ông làm cái nhà tròi ở tạm. Số tiền được hỗ trợ, gia đình ông dùng để khôi phục sản xuất trồng ngô, trồng lúa, mua con giống chăn nuôi. Ông và bà con nơi đây rất cảm động vì thời gian qua, có rất nhiều nhà hảo tâm, lãnh đạo địa phương, cơ quan ban ngành lên thăm hỏi và động viên bà con.

Cùng chung hoàn cảnh mất nhà do lũ, chị Hà Thị Thanh ở bản Bàn, nay đã vượt lên mất mát, tham gia với các hộ ở bản khác dệt thổ cẩm để kiếm sống. Với bàn tay khéo léo, cộng với sự chăm chỉ làm việc, mỗi ngày dệt cho khách, chị Thanh cũng kiếm được đủ tiền sinh hoạt cho gia đình.

vùng lũ Mường Lát Chị Hà Thị Thanh ở xã Quang Chiểu đã vượt qua nỗi đau mất nhà trở lại với việc mưu sinh để đảm bảo chi tiêu cho gia đình.

Theo chị Hà, lũ lần này tàn phá ghê quá, nhiều nhà không còn gì sau lũ, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, nhiều đoàn công tác và bà con trong bản nên người dân địa phương đã sớm vượt qua nỗi đau mất mát, bắt tay vào khôi phục sản xuất, lao động ổn định cuộc sống.

Ông Hà Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: trận lũ vừa qua, toàn xã có 37 hộ gia đình bị mất nhà, riêng bản Qua có tới 16 hộ. Toàn bộ các kênh mương nội đồng, đập tràn ở bản Sim… bị hư hỏng, ước tính thiệt hại trên địa bàn xã lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên sau lũ, đồng bào nơi đây đã đoàn kết, vượt khó nên cuộc sống cũng đã trở lại; các học sinh đến trường đầy đủ. Tin vui là, huyện cũng đã bố trí đầu tư một khu tái định cư cho 30 hộ dân của xã nằm trong diện phải di dời đến nơi ở mới an toàn.

Thống kê sơ bộ, mưa lũ tại Mường Lát vừa qua, đã khiến 5 người chết, 2 người mất tích; 139 căn nhà bị sập hoàn toàn, 514 hộ phải di dời. Mưa lũ cũng khiến cho 15 trường và điểm trường, 25 đập thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, trong khi đó tuyến Quốc lộ 15C từ Km 49 đến Km 110 bị sạt lở gây ách tắc nhiều ngày. Tổng thiệt hại trên địa bàn Mường Lát ước tính là hơn 1.000 tỷ đồng.

vùng lũ Mường Lát Bà con vùng lũ phấn khởi cảm động với những tấm lòng hảo tâm chia sẻ vật chất, tinh thần của cộng đồng xã hội đối với bà con vùng lũ của người xuôi lên thăm.

Tuy dấu tích của sự tàn phá nặng nề vẫn còn đó. Song với những kết quả nỗ lực khắc phục kịp thời của địa phương, nhiều điểm trường đã kịp đón năm học mới. Nơi ăn, chốn ở cho người dân mất nhà sau lũ, một số công trình như đường, điện được khôi phục…, cho thấy một tinh thần đoàn kết, nhân văn, sẻ chia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến tỉnh đến cơ sở; các tỉnh bạn, các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc đối với người dân vùng lũ.

Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Nhân dân vùng lũ Mường Lát hôm nay đang từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất. Trước mắt, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công khôi phục cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng kênh mương, đảm bảo thoát lũ, khai hoang ruộng nước; xây dựng các khu điểm tái định cư mới; tổ chức tốt việc quản lý, tiếp nhận hàng cứu trợ, xây dựng chi tiết phương án phân bổ nguồn hỗ trợ từng tháng cho bà con; xử lý môi trường sau lũ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung chăm sóc số diện tích cây đã trồng, quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nông thôn, an ninh vùng lũ.

Theo ông Thông, thiệt hại do mưa lũ lần này đối với địa phương là quá lớn, vì vậy Mường Lát rất mong được Nhà nước quan tâm sớm hỗ trợ xây dựng lại một số công trình hạ tầng thiết yếu như: tuyến Quốc lộ 15C từ Km 49 đến Km 110 do sạt lở đã bị hư hỏng nặng; 15 trường và điểm trường, 25 đập thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, và đặc biệt là khu tái định cư về lâu dài cho bà con vùng lũ.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.