Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Tăng tốc cho các mục tiêu lớn (Bài cuối)

Sỹ Hào - 16:18, 11/08/2024

Năm 2024 là năm bản lề quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025. Việc hoàn thành mục tiêu của các Chương trình này được kỳ vọng sẽ cải thiện mức sống dân cư, nhất là ở vùng DTTS và miền núi.

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Tăng tốc cho các mục tiêu lớn (Bài cuối)
Thiên tai những tháng đầu năm 2024 đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư; riêng tại Sơn La, mưa lũ trong tháng 7/2024 gây thiệt hại ước tính hơn 501 tỷ đồng

Nhiều thách thức

Khảo sát mức sống dân cư là cuộc điều tra mẫu, do Tổng cục Thống kê thực hiện. Cuộc khảo sát được tiến hành theo 4 kỳ/năm; kết quả sơ bộ được công bố vào tháng cuối của từng quý trong năm.

Trong quý II/2024, kết quả khảo sát sơ bộ mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình đời sống dân cư đã được cải thiện hơn. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Một yếu tố cũng tác động đến đời sống dân cư trong 6 tháng năm 2024 là chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính là do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương làm tăng giá thịt lợn (tăng 3,78%); giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh (tăng 0,6%) theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế...

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị, nông thôn, các vùng và giữa các nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao.

Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có mức độ bất bình đẳng cao nhất (tương ứng 0,411 và 0,407); Đồng bằng sông Hồng là vùng có mức độ bất bình đẳng thấp nhất (0,335).

Bên cạnh đó, một số vấn đề xã hội, nhất là tình trạng thiếu đói giáp hạt, vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, chủ yếu ở vùng DTTS và miền núi. Trong 6 tháng năm 2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã xuất cấp hơn 21,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân, trong đó có 5,9 nghìn tấn cứu đói giáp hạt. Năm 2023, 4.648 tấn gạo cũng đã được xuất cấp để hỗ trợ người dân kỳ giáp hạt.

Trong khi đó, tình hình lao động – việc làm mặc dù đã khởi sắc hơn so với năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến mức sống dân cư trong 6 tháng năm 2024. Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2024, số lao động có việc làm phi chính thức là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271,7 nghìn người so với quý trước và tăng 210,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Tăng tốc cho các mục tiêu lớn (Bài cuối) 1
Trong 6 tháng năm 2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã xuất cấp hơn 21,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân, trong đó có 5,9 nghìn tấn cứu đói giáp hạt

Đồng thời, trong 6 tháng năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông thôn, miền núi có xu hướng tăng tỷ lệ lao động thiếu việc làm (so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị giảm 0,12 điểm phần trăm, nhưng ở khu vực nông thôn, miền núi lại tăng 0,17 điểm phần trăm).

Tăng tốc thực hiện các Chương trình mục tiêu

Năm 2024 là năm bản lề quan trọng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại Nghị quyết 16/2021/QH15, ngày 27/7/2021. Một trong những chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt khoảng 118 – 125,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.700 - 5.000 USD).

Để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; trong đó, với các địa phương miền núi, vùng DTTS thì cần tăng tốc triển khai 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025.

Các chính sách từ 03 Chương trình, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) là động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời là nguồn lực trực tiếp hỗ trợ người dân.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng năm 2024, có 30,8% hộ trải qua ít nhất một sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình. Trong đó có 30,1% hộ đang phải chịu ảnh hưởng do giá cả tăng; 2,7% hộ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 1,7% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Tăng tốc cho các mục tiêu lớn (Bài cuối) 2
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG 1719 góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn các Chương trình MTQG năm 2024, là yêu cầu quyết liệt của Chính phủ đối với các địa phương. Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy đầu tư công diễn ra ngày 16/7/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm mới đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%).

Còn với 03 Chương trình MTQG, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giải ngân tính đến hết tháng 6/2024 được 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, Bộ Tài chính đang tập trung hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền để đẩy mạnh tiến độ giải ngân các Chương trình MTQG.

“Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường kiểm tra để tìm ra nguyên nhân việc thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án. Đồng thời rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao”, Bộ Tài chính đề nghị.

Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các Chương trình MTQG, là hết sức cần thiết. Bởi theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong những tháng cuối năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% vào cuối năm của năm 2024, các ngành, các cấp cần thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

“Để đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm cho người lao động và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn, người yếu thế hơn trong xã hội”, Tổng cục Thống kê khuyến nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 27.220 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các Chương trình MTQG. Đến hết tháng 6/2024, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân khoảng 2.247 tỷ đồng, đạt 29%; Chương trình MTQG 1719 là 3.428 tỷ đồng, đạt 25%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 1.165 tỷ đồng, đạt 22%.