Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng: Xã hội hóa nghề rừng - Xu thế tất yếu (Bài cuối)

Sỹ Hào - 14:42, 05/07/2023

Với việc khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, ngành Lâm nghiệp đã từng bước thực hiện xã hội hóa nghề rừng. Đây không chỉ là một yêu cầu thực tế khách quan của Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế phát triển nghề rừng trên thế giới.

Cộng đồng DTTS sống gắn bó với rừng, nên khi phát huy tốt vai trò của họ thì sẽ tạo thêm sức mạnh đối với quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. (Ảnh minh họa)
Cộng đồng DTTS sống gắn bó với rừng, nên khi phát huy tốt vai trò của họ thì sẽ tạo thêm sức mạnh đối với quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. (Ảnh minh họa)

Khẳng định tư cách pháp nhân

Như các kỳ báo trước đã phản ánh, trước khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004, ở một số địa phương đã thí điểm thực hiện giao rừng cho cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ và cùng chia sẻ lợi ích từ rừng. Đây là bước thí điểm làm nền tảng xã hội hóa nghề rừng, từ đó hình thành và phát triển lâm nghiệp cộng đồng.

Sau khi có Luật BV&PTR năm 2004, cộng đồng dân cư được thừa nhận là một chủ thể được giao rừng, với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 29 và Điều 30 của bộ luật này. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm tăng cường xã hội hóa nghề rừng, tạo thêm sức mạnh cho việc quản lý và phát triển vốn rừng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân ở vùng đồng bào DTTS ở vùng núi - địa bàn hoạt động chủ yếu của ngành Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, do vẫn thiếu các khuôn khổ pháp lý cần thiết, nên trong gần 20 năm kể từ khi có Luật BV&PTR năm 2004, quyền chủ rừng của các cộng đồng dân cư đã được giao rừng bị hạn chế rất nhiều so với các chủ rừng khác. Đúng như PGs.Ts. Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam đã nhận định tại Hội nghị chuyên đề “Hợp tác quản lý rừng ở Việt Nam: Thực tiễn và phát triển” được tổ chức cuối tháng 12/2022, hiện nay đối tượng cộng đồng dân cư chưa được pháp luật thừa nhận là một pháp nhân, dẫn đến khó khăn khi giải quyết quan hệ dân sự trong quản lý rừng. Cộng đồng dân cư không có nhiều cơ hội hay điều kiện tiếp cận các nguồn tài chính cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

“Điểm nghẽn” này chắc chắn sẽ được tháo gỡ khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong thời gian tới đây. Tại Điều 3 của dự thảo luật, Ban Soạn thảo đã bổ sung từ ngữ “Cộng đồng dân cư” vào để giải thích. Theo đó, “Cộng đồng dân cư” quy chiếu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ”.

Đây là điểm hoàn toàn mới so với Luật Đất đai 2013. Việc bổ sung thuật ngữ “Cộng đồng dân cư” vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một bước quan trọng để thống nhất quy định pháp luật về chủ thể quản lý, sử dụng đất rừng và rừng. Bởi trong Luật BV&PTR năm 2004 cũng đã có điều khoản giải thích thuật ngữ “Cộng đồng dân cư”, nhưng Luật Đất đai năm 2013 lại không có thuật ngữ này.

Thành lập các Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng với cơ chế, chính sách phù hợp là giải pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững. (Trong ảnh: Tổ bảo vệ rừng của cộng đồng Tu Mơ Rông phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, Kon Tum tuần tra bảo vệ rừng – Nguồn: Quỹ BV&PTR Kon Tum)
Thành lập các Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng với cơ chế, chính sách phù hợp là giải pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững. (Trong ảnh: Tổ bảo vệ rừng của cộng đồng Tu Mơ Rông phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, Kon Tum tuần tra bảo vệ rừng (Nguồn: Quỹ BV&PTR Kon Tum)

Theo PGs.Ts. Nguyễn Bá Ngãi, tư cách pháp nhân của “Cộng đồng dân cư” đã được cụ thể hóa và đưa vào trong 3 Điều trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm: Điều 178 dành cho đất rừng sản xuất, Điều 179 đất rừng phòng hộ và Điều 180 đất rừng đặc dụng. Trong đó, đối với đất rừng phòng hộ, dự thảo luật quy định rõ, Nhà nước giao đất rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó để cộng đồng dân cư quản lý, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

“Về đất rừng sản xuất, dự thảo quy định rõ rằng, Nhà nước giao đất và công nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một điều đáng mừng, giúp gia tăng quyền lợi và sự thừa nhận của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư”, vị chuyên gia này cho hay.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá, những quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ “giải phóng” sức ỳ lâu nay trong phát triển lâm nghiệp cộng đồng, từ đó phát huy được vai trò của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đây là bước chuyển hướng quan trọng trong xã hội hóa nghề rừng.

Theo Quyết định số 2869/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng nhưng chưa giao (không có chủ) hiện tạm để UBND cấp xã quản lý. Những diện tích này ở vùng sâu, vùng xa, nhiều diện tích đang để hoang hóa hoặc đang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch; nhiều nơi bị lấn chiếm, một số nơi có xung đột, tranh chấp.

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức ở Tp. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ngày 4/4/2023, đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, quản lý rừng cộng đồng là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách lâm nghiệp, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Cộng đồng tham gia quản lý rừng có nhiều lợi ích tích cực trong quá trình quản lý rừng bền vững ở Việt Nam.

“Cộng đồng DTTS sống gắn bó với rừng nên khi phát huy tốt vai trò của họ thì sẽ tạo thêm sức mạnh đối với quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng, phục vụ trước hết cho lợi ích của cộng đồng, đồng thời góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đặc biệt, cộng đồng có mặt hầu khắp mọi nơi, mọi lúc trong vùng núi, đây là một lợi thế mà các thành phần kinh tế khác không có. Lợi thế này giúp cho việc quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi hơn”, đại diện Cục Lâm nghiệp khẳng định.

Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất và rừng có hiệu quả thì cần thúc đẩy hợp tác quản lý rừng với cộng đồng, với giải pháp là thành lập các Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng.

“Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng được tự do thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, hợp tác quản lý rừng để mở rộng phạm vi hoạt động; thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự; được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã; được hưởng các quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác”, đại diện Cục Lâm nghiệp đề xuất.

Hiện còn 3.337.770ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng nhưng chưa giao (không có chủ) tạm để UBND cấp xã quản lý.
Hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng nhưng chưa giao (không có chủ) tạm để UBND cấp xã quản lý. (Ảnh minh họa)

Thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng cũng là khuyến nghị của PGs.Ts. Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam. Ngoài ra, để khuyến khích cộng đồng tham gia hợp tác quản lý rừng, ông Ngãi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao đất rừng và giao rừng cho cộng đồng dân cư; sửa đổi, bổ sung một số quy định về sử dụng rừng đặc dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về hợp tác quản lý rừng đặc dụng và xây dựng, thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý, sử dụng hiệu quả trên 3,3 triệu ha đất rừng và rừng hiện chưa giao, đang được UBND cấp xã tạm quản lý.

Nhiều chuyên gia lâm nghiệp cũng cho rằng, để tăng cường xã hội hóa nghề rừng thì cần thiết lập một nền tảng cho kiện toàn chính sách, hệ thống những quy định đối với đất lâm nghiệp cộng đồng tại Việt Nam. Đây là chiến lược không chỉ để quản lý rừng bền vững mà còn góp phần quan trọng để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi - địa bàn hoạt động chính của ngành Lâm nghiệp.

Theo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 30 năm qua, nước ta đã mất khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên do chặt phá trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để giải quyết những thách thức thiên niên kỷ này, Việt Nam đang tập trung thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có ít nhất 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Để đạt được mục tiêu trên, cần nhiều nguồn ngân sách, trong đó xã hội hóa đang được xem là nguồn quan trọng để huy động nguồn lực cho các hoạt động trồng và bảo vệ rừng. Chỉ tính trong năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng cây, trồng mới rừng trên 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48%.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.