Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhìn lại công tác phòng chống siêu bão ở tỉnh Quảng Ninh: Nỗ lực, chủ động tái thiết cuộc sống nơi “đầu sóng ngọn gió” (Bài 1)

Mỹ Dung - 10:18, 16/09/2024

Bão số 3 (bão Yagi) - cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, ứng phó nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề. Đến thời điểm này công tác khắc phục thiệt hại do bão vẫn đang được toàn tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện để từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống Nhân dân.

Nhiều cánh rừng bị xóa trắng do sự tàn phá của bão số 3
Nhiều cánh rừng bị xóa trắng do sự tàn phá của bão số 3

Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16, đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Dù những cảm giác về nỗi sợ hãi, “bàng hoàng” trước sự khốc liệt của cơn bão vẫn còn thường trực trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây, song hơn 10 ngày qua, không kể ngày đêm, các lực lượng, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Thiệt hại nặng nề

Bão số 3 đi qua, người trồng rừng xót xa, bởi phía sau sự tàn phá của thiên nhiên là cơ nghiệp của bao nhà. Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực sự là một trong những ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão.

Xã Đồng Lâm (TP. Hạ Long) với 98% người dân là đồng bào DTTS, cuộc sống chủ yếu dựa vào lâm nghiệp. Nhiều chủ rừng trắng tay khi sau bao năm trồng và chăm sóc, chỉ còn 2-3 năm nữa những cánh rừng này sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng, nay bỗng mất trắng trong mấy tiếng đồng hồ. 

Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm Vũ Thanh Tuấn thông tin: “Với cây khoảng 2 năm tuổi trở lên thì bị gãy đổ, thiệt hại gần như hết, còn với những rừng vừa trồng khoảng 2,3 tháng đổ lại thì không bị thiệt hại nhiều. Trên địa bàn xã có khoảng 4 nghìn ha, thiệt hại khoảng 50% do cơn bão số 3”.

Là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Hoành Bồ, cho biết: Cơn bão số 3 đã tàn phá toàn bộ 85% trong tổng số diện tích 3.600ha rừng sản xuất của Công ty, với tổng đầu tư khoảng 80 tỷ đồng.

“Hiện đơn vị bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại và lên phương án xử lý thực bì. Đơn vị mong muốn, tỉnh có cơ chế để giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là trong ngành Lâm nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của bão”, ông Trượng nói.

Người dân đang cố gắng lựa trong số keo còn sót lại có thể bán được
Người dân đang cố gắng lựa trong số keo còn sót lại có thể bán được

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện bị thiệt hại trên 18.613ha cây lâm nghiệp. Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết, diện tích cây lâm nghiệp bị gẫy đổ chủ yếu là keo, tuổi từ 2 đến 6 năm tuổi. Do mưa, bão cây gẫy đổ đi lại khó khăn, địa bàn rộng, mức độ ảnh hưởng lớn, hiện nay các xã, thị trấn đang tập trung huy động lực lượng kiểm tra, thống kê chi tiết thiệt hại.

Không chỉ trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ du lịch cũng là các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, đang dần “bó hẹp” sinh kế của người dân. Thiệt hại do cơn bão số 3 ước tính sơ bộ tính đến hết ngày 15/9 toàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Trong đó, có 25 người chết, khoảng 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm; gần 90.000ha rừng bị thiệt hại…

Nỗ lực khắc phục thiệt hại do siêu bão

Đáng ghi nhận, dù bị bão số 3 tàn phá nặng nề, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị không nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để nhường cho tỉnh khác chịu ảnh hưởng lớn của bão lũ. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) 180 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Tiên Yên giúp người dân xã vùng cao Đông Hải di chuyển tài sản
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tiên Yên giúp người dân xã vùng cao Đông Hải di chuyển tài sản

Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị Quân đội, Công an... để tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển; hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão; tổng vệ sinh môi trường.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 3.155 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng.

Đồng thời, địa phương phối hợp tích cực với ngành Điện, Viễn thông khắc phục hệ thống bị tê liệt trên địa bàn. Nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, ngành Y tế Quảng Ninh đang căng mình ứng trực, thực hiện tốt nhất công tác khám, chữa, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; cơ sở vật chất, thuốc men được tăng cường; trực 24/24h... Ngay sau bão, tất cả các trường học trên địa bàn đã tập trung khắc phục thiệt hại đón học sinh trở lại học tập...

Lãnh đạo huyện Ba Chẽ trực tiếp chỉ đạo và tham gia tổng vệ sinh cùng bà con trên địa bàn
Lãnh đạo huyện Ba Chẽ trực tiếp chỉ đạo và tham gia tổng vệ sinh cùng bà con trên địa bàn

Với sự càn quét kinh hoàng từ cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực trong công tác khắc phục thiệt hại, dần ổn định cuộc sống cho người dân. Vượt qua đau thương, thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực tái thiết cuộc sống.

 Tuy nhiên, cũng còn đôi điều trăn trở khi nhìn lại công tác ứng phó cơn bão số 3! Phóng viên sẽ tiếp tục đề cập nội dung này tại bài viết tiếp theo...

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024 - lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.