Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhìn lại công tác phòng chống siêu bão ở Quảng Ninh: Bài học không được chủ quan, lơ là (Bài 2)

Mỹ Dung - 17:14, 17/09/2024

Đã hơn 10 ngày kể từ khi bão số 3 đổ bộ, những thiệt hại nặng nề vẫn đang hiện diện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ở đó, sức mạnh toàn dân đã và đang được phát huy cao độ, trở thành động lực lớn để Quảng Ninh vượt qua chồng chất khó khăn. Nhìn lại công tác phòng chống, ứng phó cơn bão kinh hoàng ấy, việc không được chủ quan, lơ là là bài học cần khắc cốt ghi tâm.

Hiện nay, do khối lượng thiệt hại quá nhiều, thời tiết chưa thực sự thuận lợi nên chưa thể làm kịp thời điện cung cấp cho người dân
Do khối lượng thiệt hại quá nhiều, thời tiết chưa thực sự thuận lợi nên ngành Điện Quảng Ninh chưa thể khắc phục hết được hậu quả thiệt hại để đảm bảo 100% việc cung cấp điện cho người dân

Bài học kinh nghiệm?!

Sau gần 5 giờ đồng hồ hứng chịu sự tàn phá của cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Nhiều người dân tại Hạ Long cho biết, họ không thể tưởng tượng nổi thành phố bên bờ vịnh xinh đẹp này có thể trải qua sự tàn phá kinh khủng đến thế. Không ít người tự nhìn nhận, sự chủ quan về mức độ nguy hiểm của cơn bão ngay từ phía người dân.

Chị Trần Thị Huệ, 58 tuổi, một người dân của TP. Hạ Long nói: “Ở cái tuổi này tôi cũng đã cùng mọi người trải qua nhiều cơn bão rồi, nhưng chưa bao giờ có cơn bão lớn đến thế. Thật khủng khiếp! Nhưng phải thú thật rằng, mặc dù cũng được nghe và cập nhật trước về thông tin bão, vậy mà người dân chúng tôi còn chủ quan nên thiệt hại càng nhiều”.

Đáng chú ý, cùng với kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu tránh trú bão, tỉnh Quảng Ninh còn yêu cầu, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ. Thế nhưng trên thực tế, không ít người vẫn cố ở lại tàu thuyền để giữ đồ đạc, tài sản trên tàu.

Anh Trần Văn Nam, khu tái định cư Cái Xà Cong, khu 8 chia sẻ: “Nói thật đồ nghề, tài sản cả đời tích cóp mà bỏ hẳn lên bờ cũng xót nên chúng tôi vẫn để người ở lại tàu. Như tàu của tôi vẫn có anh trai và một đứa em ở lại. Rất may không bị sao cả. Giờ mọi người về rồi mới thật hoàn hồn”.

Chủ quan, lơ là và mạo hiểm, đó là tự đánh giá cũng như bài học kinh nghiệm của không ít người và gia đình khi cơn bão số 3 qua. Dân chủ quan là thế, nhưng cũng theo chia sẻ của nhiều người, sau cơn bão tình trạng mất sóng điện thoại, mất điện, mất nước diễn ra cả tuần trời. Đặc biệt, đến nay cả chục ngày nhưng ngay tại TP. Hạ Long vẫn chỗ có chỗ không. Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thì tình trạng mất điện vẫn còn nhiều.

Chị Bàn Thị Mơ, dân tộc Dao, người dân ở thôn 6, xã Quảng La (TP. Hạ Long) ngậm ngùi: “Bão đã qua cả mười ngày qua nhưng chỗ nhà tôi vẫn chưa có điện. Bất tiện lắm. Mà nghe nói ngoài phố còn đầy nơi chưa có điện chứ nói gì trong này. Bão đã thiệt hại nặng lắm rồi, chúng tôi mong lắm có điện sớm để quay trở lại cuộc sống thường ngày”.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc chậm khắc phục tình trạng điện cho người dân, ông Đặng Thành, Phó Giám đốc Điện lực tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay do khối lượng thiệt hại quá nhiều, thời tiết chưa thực sự thuận lợi nên chưa thể làm kịp thời được. Đây cũng là cơn bão mạnh khiến cho nhiều hệ thống thiết kế cũng bị ảnh hưởng nhiều.

“Chúng tôi nỗ lực đang phối hợp để huy động các lực lượng và các đơn vị thi công nhà thầu bên ngoài, cũng như chuẩn bị lượng vật tư thiết bị đảm bảo kịp thời để triển khai khắc phục sự cố do bão”, ông Thành cho hay.

Bão số 3 "xóa trắng" nhiều cánh rừng
Bão số 3 "xóa trắng" nhiều cánh rừng

Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thì việc khắc phục và khôi phục lại kinh tế lại càng khó khăn. Xã vùng cao Tân Dân (TP. Hạ Long) với 92% là người DTTS sinh sống, sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Ông Giáp Mạnh Vững, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ trăn trở: “Cơn bão số 3 gần như quét sạch rừng. Đời sống kinh tế của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi đang tích cực vận động người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, rất mong tỉnh và các cơ quan chức năng có chính sách nhanh chóng, kịp thời giúp bà con ổn định cuộc sống và giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội”.

Sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh

Kịp thời nắm bắt tình hình, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức tín dụng với cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ nghiên cứu chính sách riêng để hỗ trợ các nhóm đối tượng này: "Tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành chính sách riêng, nằm ngoài các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho người dân và các tổ chức sản xuất ở 4 lĩnh vực. Một là, các hộ dân nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Thứ hai là trồng rừng, cây cối, hoa màu và lúa. Thứ ba là các hộ kinh doanh ở lĩnh vực du lịch, thương mại và cuối cùng là liên quan tới công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (đeo kính đứng thứ 2 từ trái sang) đi kiểm tra thiệt hại ở tất cả các lĩnh vực và quyết định địa phương sẽ có chính sách riêng để hỗ trợ người dân vực dậy sau bão
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (người đeo kính, thứ 2 từ trái sang) kiểm tra việc đánh giá thiệt hại và quyết định địa phương sẽ có chính sách riêng để hỗ trợ người dân tái thiết lại cuộc sống sau bão

Được biết, để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ họp phiên bất thường vào ngày 23/9 sắp tới.

Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão qua đi đã đặt cho chính quyền Quảng Ninh khối lượng công việc khổng lồ cần giải quyết. Thời điểm này, công cuộc tái thiết sau bão đang được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tập trung dồn lực, tranh thủ từng phút từng giờ để sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tin tưởng rằng, chính quyền và người dân Vùng mỏ sẽ luôn đồng lòng, cùng rút ra những kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm từ cơn bão vừa qua!

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024 - lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.