Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Chất lượng, số lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao
Hiện nay, cả nước có hơn 28.000 báo cáo viên pháp luật ở các cấp. Thời gian qua, đội ngũ báo cáo viên đã có những đóng góp quan trọng, trong công tác đưa pháp luật đi vào cuộc sống, truyền tải pháp luật đến với cán bộ và Nhân dân; đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.
Ghi nhận tại tỉnh Sơn La cho thấy, công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật được đặc biệt quan tâm. Qua 10 năm kiện toàn, đến nay, toàn tỉnh đã có 165 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.525 tuyên truyền viên cấp xã. Với đội ngũ hơn 3000 báo cáo viên pháp luật các cấp, thời gian qua, các báo cáo viên, tuyên truyền viên đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các báo cáo viên cũng tích cực triển khai các hình thức PBGDPL đa dạng phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Việc thực hiện "Ngày pháp luật" được duy trì và tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; duy trì mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng chống tội phạm ma tuý"; "Câu lạc bộ pháp luật"; "Bình đẳng giới"… Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Sơn La đã tổ chức được 3.942 cuộc tuyên truyền pháp luật với tổng số 242.528 lượt người nghe phát miễn phí 53.216 tờ gấp pháp luật để nhân dân tự tìm hiểu…
Tương tự, tại Cao Bằng, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 112 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 6.273 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.951 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Trong đó, 2.507 báo cáo viên các cấp là người DTTS, người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc trong các tôn giáo vùng DTTS tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Về trình độ học vấn, 26 báo cáo viên trình độ trên đại học, 1.024 BCV trình độ đại học, 338 BCV trình độ cao đẳng, trung cấp và 605 báo cáo viên trình độ THPT.
Với đội ngũ báo cáo viên nói trên, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh tổ chức 4.022 buổi tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục với 78.955 lượt người tham gia; 2.987 buổi tuyên truyền cho học sinh với 650.612 lượt người tham gia…
Cùng với việc kiện toàn về số lượng, hằng năm đội ngũ báo cáo viên pháp luật trên cả nước cũng được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tuyên truyền.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, hằng năm Bộ Tư pháp đều triển khai kế hoạch bồi dưỡng với nhiều nội dung trọng tâm. Đơn cử, mới đây trong 2 ngày từ 10-11/11, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tổ chức một số Hội nghị tập huấn, hội thảo và kiểm tra tại tỉnh Bắc Kạn.
Cụ thể, Đoàn công tác đã tổ chức Hội nghị Tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở sở cho đội ngũ hòa giải viên; Hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện đánh giá tiêu chí, nội dung về tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; Hội nghị tập huấn hướng dẫn áp dụng pháp luật tiếp cận thông tin ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn...
Nâng cao năng lực đáp ứng nhiệm vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên
Thông qua các hội nghị, Bộ Tư pháp Hội đã huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở sở cho đội ngũ hòa giải viên, báo cáo viên đã trang bị cho các đại biểu tham dự một số kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở (nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hòa giải ở cơ sở; phạm vi hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án...cũng như các kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, tập huấn hướng dẫn áp dụng pháp luật tiếp cận thông tin ở cấp xã, các báo cáo viên đã hướng dẫn các đại biểu tham dự thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin gắn với tiêu chi tiếp cận thông tin theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg…
Bà Hà Kiều Diễm, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Na Rì chia sẻ: Thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, kiến thức và năng lực của đội ngũ báo cáo viên cấp cơ sở được nâng lên đáng kể. Từ đó, giúp họ thực hiện hiệu quả hơn vai trò của mình trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở…
Theo thông tin từ Vụ Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Ủy ban Dân tộc, thực hiện Luật PBGDPL, những năm qua các địa phương đã tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, có phẩm chất chính trị tốt, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện, các địa phương có khoảng 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số… Với đội ngũ báo cáo viên ngày càng được kiện toàn, nâng cao cả về số lượng và chất lượng đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBDGPL ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng thực chất, đã kịp thời tuyên truyền, đưa tin về đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc đến với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số; giúp cán bộ và người dân hiểu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình, từ đó thực hiện pháp luật một cách tự giác, hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào đối với pháp luật.