Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật PBGDPL: Tiếp tục điều chỉnh những hạn chế để đạt hiệu quả cao hơn (Bài 3)

Hoàng Sa - 14:35, 25/11/2022

Mặc dù đã đạt được nhiều chuyển biến và kết quả quan trọng, tuy nhiên qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, thực tế tại cơ sở cho thấy cần thiết phải điều chỉnh một số hạn chế, vướng mắc để công tác PBGDPL ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

(CĐ Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh): Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật PBGDPL: Tiếp tục điều chỉnh những hạn chế để đạt hiệu quả cao hơn
Huyện đoàn Vị Xuyên tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho người dân xã Thuận Hòa tại chợ phiên.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn

Trên bình diện toàn quốc cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL góp phần thực hiện tốt Luật PBGDPL, trước hết cần sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL. Trong đó, bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, trong việc tham mưu giúp UBND cùng cấp, thực hiện PBGDPL đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Theo như tinh thần của Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân thì các cấp, các ngành phải xác định được sâu sắc rằng công tác PBGDPL “là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị”. Theo đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thì mọi cấp, mọi ngành đều phải thực hiện công tác này. Không đánh đồng giữa quản lý nhà nước về công tác PBGDPL với trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL, từ đó dẫn đến cách hiểu đó là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp. Việc xác định được rõ trách nhiệm thì mới chủ động, kịp thời trong phối hợp triển khai thực hiệntránh tình trạng mạnh ai người đó làm…

Tuy nhiên, qua thực tế tại cơ sở cho thấy, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp khá mờ nhạt trong việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Thậm chí, ở nhiều địa phương, công tác PBGDPL gần như được phó mặc toàn bộ cho phòng Tư Pháp, cán bộ Tư Pháp.

Ghi nhận tại một số xã trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An… cho thấy, còn tình trạng việc tổ chức thực hiện PBGDPL gần như giao phó hoàn toàn cho công chức Tư pháp – Hộ tịch. Trao đổi về vấn đề này, Bà Hoàng Thị Xuyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ, nhận thức và cách làm này là chưa phù hợp, với tinh thần của Luật PBGDPL vừa tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp, vừa thiếu đi sự phối hợp hiệu quả trong công tác PBGDPL.

Tình trạng này cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy, có nơi, có lúc còn có bộ phận nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp về nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL trong những năm qua.

Chính vì vậy, tại hầu hết các hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Luật PBGDPL, các tỉnh đều có chung quan điểm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong tình hình mới.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Đăk Lăk cho rằng: Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền PBGDPL, các cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, giải thích, vận động Nhân dân…

(CĐ Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh): Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật PBGDPL: Tiếp tục điều chỉnh những hạn chế để đạt hiệu quả cao hơn 1
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Hình tuyên truyền về phòng chống ma túy cho người dân ở xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Cần kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân tham gia công tác PBGDPL

Luật PBGDPL quy định rõ về chính sách huy động, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia công tác PBGDPL. Trong đó, chính sách của Nhà nước về huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác PBGDPL được quy định tại Khoản 3, Điều 3: “Thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác PBGDPL”.

Đồng thời, Điều 4 của Luật cũng quy định: “Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL”…

Các quy định của Luật đã cho thấy vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia, khẳng định đó là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cũng chưa được quan tâm theo như Luật định. Việc hỗ trợ hầu như không được triển khai thực hiện như Luật định.

Liên quan tới vấn đề này, qua đánh giá công tác PBGDPL trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công An cũng đã gửi đề xuất, kiến nghị với Bộ Tư pháp cần đánh giá và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong công tác PBGDPL để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện PBGDPL góp phần tăng cường hiệu quả của công tác này.

Thực tế cho thấy, việc chậm trễ trong trực hiện chính sách hỗ trợ, khen thưởng với các tổ chức cá nhân tham gia công tác PBGDPL nói trên, một phần xuất phát từ điều kiện ngân sách của các địa phương, đặc biệt là các địa phương miền núi khá eo hẹp. Nhưng, cũng có lý do chủ quan là không ít địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền PBGDPL nên một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn chưa quan tâm đầu tư kinh phí.

Do đó, tới đây, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Điều 4 Luật PBGDPL. Từ đó, phát huy tối đa vai trò của nhóm đối tượng này trong công tác PBGDPL, góp phần đưa công tác PBGDPL ngày càng thực chất và đạt hiệu quả tốt hơn…


Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.