Trên cơ sở Luật Phổ biến giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm, và hành động quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL. Theo đó, thời gian vừa qua, vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL từ trung ương tới địa phương được quan tâm sát sao hơn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL.
Trong các kế hoạch hàng năm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đều xác định, công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là một trong những nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực thực hiện. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được củng cố, kiện toàn, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị như Tư Pháp, Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Biên phòng…, trong đó, có đại diện lãnh đạo cơ quan làm công tác dân tộc, đã phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác PBGDPL.
Cùng với đó, nguồn lực cho công tác PBGDPL (con người và kinh phí) đã được quan tâm bố trí, nhất là từ khi có Luật PBGDPL. Nội dung, hình thức PBGDPL có sự đổi mới theo hướng bám sát hơn nhu cầu của người dân, đa dạng về hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa; tạo điều kiện cho người dân chủ động tìm hiểu pháp luật một cách hiệu quả nhất.
Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong 10 năm qua (2012-2022), việc quán triệt, thực hiện Luật PBGDPL đã được Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh triển khai nghiêm túc, kịp thời, bằng nhiều hình thức linh hoạt và cách làm sáng tạo. Nội dung tuyên truyền phong phú, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tiễn của người dân trên địa bàn. Các cấp, các ngành cũng đã quan tâm, nâng cao vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; xác định công tác PBGDPL là một trong những nội dung của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, trong vòng 10 năm, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 30.540 buổi tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật cho gần 2,7 triệu lượt cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở về kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, hòa giải. Cấp phát hơn 5.796 tài liệu pháp luật đến các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác PBGDPL. Đồng thời, đăng tải và phát trên phương tiện thông tin đại chúng 105.752 tin bài về pháp luật.
Toàn tỉnh đã xây dựng 116 tủ sách pháp luật của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 1.150 tủ sách pháp luật ở các cơ quan đơn vị; 1.121 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; 825 tủ sách pháp luật ở thôn, bản, khu phố. Các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức trợ giúp pháp lý cho 15.741 vụ việc…
Đánh giá về hiệu quả của việc triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh khẳng định: 10 năm qua, công tác PBGDPL, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, các hành vi vi phạm pháp luật trong đã giảm rõ rệt; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ; an ninh - trật tự luôn ổn định, đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Tương tự, tại Sơn La, thực hiện Luật PBDGPL, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tuyên truyền với nội dung, hình thức phù hợp từng đối tượng, địa bàn, đảm bảo hiệu quả.
Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức trên 74.700 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL; 264 cuộc thi, trên 100 nghìn lượt người tham gia. Biên soạn, phát hành trên 4 triệu tài liệu tuyên truyền, gồm: Sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp pháp luật. Các sở, ngành địa phương đã triển khai hiệu quả các đề án, như: “Tuyên truyền PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”; “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới”; “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý”; “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL”, tạo hành lang pháp lý vững chắc; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…
Qua đó, có thể thấy, với sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động, công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Thanh Tịnh đã khẳng định: Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGD, năm 2012, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL nói chung, PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng đã được nâng lên, trên tinh thần xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Vì thế, công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất.