Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Động lực cống hiến (Bài 7)

Hồng Minh - 10:50, 03/08/2022

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đề cao và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Để kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho những Người có uy tín không ngừng phát huy vị trí, vai trò quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 và được thay thế bởi Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 để triển khai thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Thực hiện tốt chính sách cho Người có uy tín góp phần khích lệ, động viên Người có uy tín (Ảnh tư liệu)
Thực hiện tốt chính sách cho Người có uy tín góp phần khích lệ, động viên Người có uy tín cống hiến cho cộng đồng, xã hội (Ảnh tư liệu)

Quan tâm và ghi nhận

Có thể nói, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tạo cơ chế rất thuận lợi để cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân tộc có thể tranh thủ vận động và phát huy tốit vai trò rất quan trọng của Người có uy tín.

Tại Bắc Kạn, toàn tỉnh có hơn 1.300 Người có uy tín, qua 10 năm thực hiện (2011- 2021), các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, ngành và địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời... Trong giai đoạn này, tổng kinh phí thực hiện chính sách Người có uy tín là hơn 22,8 tỷ đồng. Qua đó, giúp Người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc, tích cực trong việc tham gia củng cố hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 1.120 Người có uy tín. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách cho Người có uy tín. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chính sách theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ, thì địa phương cũng linh hoạt ban hành và áp dụng một số chính sách riêng nhằm động viên kịp thời đối với Người có uy tín.

Cụ thể, bên cạnh việc tổ chức gặp mặt, tặng quà vào dịp tết nguyên đán, Quốc Khánh 2/9 hằng năm theo quy định, tỉnh Lào Cai mỗi năm, còn tổ chức thêm các hội nghị gặp mặt chuyên đề đối với Người có uy tín từng dân tộc: Năm 2021, đã tổ chức gặp mặt Người có uy tín dân tộc Dao; năm 2022, dự kiến tổ chức gặp mặt Người có uy tín dân tộc Mông, Phù Lá…

Cùng với Bắc Kạn, Lào Cai, các địa phương trên cả nước cũng sát sao việc thực hiện chính sách cho Người có uy tín. Theo báo cáo, thống kê của 52 tỉnh, thành phố, trong giai đoạn 2011-2021, các địa phương đã tổ chức 4.453 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho Người có uy tín. Tổ chức 1.882 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho khoảng 118.418 lượt Người có uy tín tham gia. Đã có 567 cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm được tổ chức ở trong huyện.

Ngoài ra, Người có uy tín luôn được hỗ trợ cung cấp thông tin. Cụ thể, Người có uy tín được cấp (không thu tiền) 01 tờ Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc, 01 tờ báo tỉnh hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp đối với Người có uy tín do địa phương lựa chọn.

Với tổng số kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương, đã bố trí khoảng hơn 500 tỷ đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Qua đó, các địa phương đã luôn kịp thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho Người có uy tín. Cụ thể, vào dịp Tết Nguyên Đán hay Tết của các DTTS, hay Người có uy tín ốm đau… Đồng thời, tổ chức biểu dương khen thưởng cho Người có uy tín với các hình thức và mức độ khen thưởng khác nhau.

Ông Vi Văn Nàm, Người có uy tín ở thôn Khuổi Chang, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ, thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh. Điều này là động lực để cá nhân ông tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phải nhìn nhận rằng, chính sách chính là động lực để những Người có uy tín phát huy vai trò của mình với cộng đồng. Tuy nhiên, chính sách không phải là yếu tố quyết định. Mà trên hết, đó là trách nhiệm, là tâm huyết của mỗi Người có uy tín với quê hương, bản làng.

Như lời chia sẻ của ông Lương Đình Xuân, Người có uy tín xóm Xuân Tần, xã Nghĩa Thành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An “Mình làm Người có uy tín và tích cực hoạt động trong phong trào quần chúng không phải vì tiền mà vì niềm tin của Nhân dân để góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình”.

Quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ Người có uy tín là nhiệm vụ chung của các cấp các ngành (Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn thăm, hỗ trợ gia bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai)
Quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ Người có uy tín là nhiệm vụ chung của các cấp các ngành (Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn thăm, hỗ trợ gia bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai)

Cách làm riêng từ cơ sở 

Là địa phương luôn đi đầu trong công tác thực hiện chính sách cho Người có uy tín, trong 10 năm qua (2011 - 2021), tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, khích lệ đội ngũ Người có uy tín. Riêng công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức cho Người có uy tín luôn được Ban Dân tộc và các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. 

Theo đó, Ban Dân tộc và UBND 11 huyện vùng đồng bào DTTS miền núi tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hàng trăm tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho hơn 7 nghìn lượt Người có uy tín tham gia. Bên cạnh đó, Người có uy tín được quan tâm thăm hỏi, tặng quà dịp tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần.

Còn tại tỉnh Nghệ An, để ghi nhận những nỗ lực của Người có uy tín trong cộng đồng, các cấp, ngành duy trì tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng với Người có uy tín tiêu biểu. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã duy trì được Hội nghị Tuyên dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS hằng năm. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm lượt Người có uy tín được tặng Giấy khen, Bằng khen của các cấp.

Tương tự, giai đoạn 2018 - 2021, địa phương có 277 lượt Người có uy tín có thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng. Trong đó, 1 Người có uy tín được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 60 Người có uy tín được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 18 Người có uy tín được UBND tỉnh tặng thư khen.

Tại Hội nghị Tuyên dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS tiêu biểu cấp tỉnh lần thứ Ba, cuối năm 2021, ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An khẳng định, Hội nghị Tuyên dương Người có uy tín là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, là dịp để biểu dương, tôn vinh những cá nhân có uy tín trong cộng đồng các DTTS có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Không chỉ tỉnh Nghệ An, nhiều năm qua ở nhiều địa phương, như: Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái.... đã tổ chức các hội nghị tuyên dương đội ngũ Người có uy tín, qua đó cổ vũ, động viên tinh thần, tạo động lực để Người có uy tín phát huy vai trò tiếp tục phát huy vai trò tại cộng đồng.

Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Người có uy tín, trưởng thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn, nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021) và Kỷ niệm 18 năm thực hiện "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” vào cuối tháng 11 năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Quyết định số 12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong đó, coi việc xây dựng đội ngũ Người có uy tín là một trong những "nhiệm vụ đặc biệt” trong công tác cán bộ ở cơ sở.

Chủ tịch nước đề nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng quán triệt sâu sắc quan điểm này. Tiếp tục có thêm nhiều giải pháp chăm lo phát triển, phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đó cũng là yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Có thể nói, chính sách cho Người có uy tín đã mang lại hiệu quả rất lớn. Từ sự quan tâm nhỏ nhất cho đến công tác biểu dương, tôn vinh đều mang tới cho Người có uy tín niềm khích lệ, nức lòng. Tuy nhiên, từ thực tế việc thực hiện chính sách cũng không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Hơn lúc nào, đây chính là thời điểm tháo gỡ để thời gian tới việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.