Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều vướng mắc trong quá trình tái canh cà phê ở Tây Nguyên

PV - 13:43, 16/03/2018

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết chương trình cho vay tái canh cà phê. Trong đó, Ngân hàng cam kết cung ứng gói tín dụng hơn 12.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân được 758 tỷ đồng (xấp xỉ 6%).

Kỳ 2: Vốn có nhưng khó giải ngân

Người dân thờ ơ

Ông Nguyễn Đắc Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk cho biết, trên địa bàn xã hiện có 1.900ha đất trồng cà phê, trong đó, có tới 500ha cây già cỗi. Hiện toàn xã đã tái canh được 200 ha, còn 300 ha chưa được tái canh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mới có 19 hộ đăng ký vay vốn để tái canh 24 ha cây cà phê.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đắc Tiến cho biết, hiện nay người dân thờ ơ với gói tín dụng tái canh cà phê là do chương trình chưa hấp dẫn. Theo ông Tiến, mỗi ha được ngân hàng cho vay khoảng 180 triệu đồng, cấp vốn nhiều đợt theo tiến độ, trong đó lãi suất khá cao là hơn 7%/năm. Bên cạnh đó, người vay sẽ phải đáp ứng đủ các thủ tục như như: xin giấy xác nhận đủ điều kiện tái canh, nằm trong quy hoạch trồng cà phê được tỉnh phê duyệt; tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành…

Cán bộ xã Ea Tiêu khảo sát nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê của người dân. Cán bộ xã Ea Tiêu khảo sát nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê của người dân.

Trong khi thực tế hiện nay, người dân không tái canh toàn bộ mà tiến hành tái canh từng phần nhằm đảm bảo nguồn thu trong quá trình trồng mới; một số hộ tại địa phương cũng không độc canh cà phê mà xen canh với các loại cây trồng khác như tiêu, bơ, điều… Như vậy là không đảm bảo theo quy trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nên người dân không được vay vốn của chương trình.

Bà Nguyễn Thị Bé, nông dân ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Thế chấp quyền sử dụng đất thì vay đâu chả được, còn vay được số tiền lớn hơn, lại được giải ngân một lần, không phải lắt nhắt như vậy. Tôi có 2ha đất, nếu vay tái canh mỗi năm chỉ được vài chục triệu, rồi đến lúc cần tiền làm việc khác thì lấy gì thế chấp? Vì vậy dù rất cần vay vốn để tái canh cà phê nhưng gia đình cũng không đăng ký vay vốn của chương trình”.

Cần gỡ khó cho gói tín dụng

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện cho vay vốn tái canh cà phê, ngân hàng cũng nhận thấy nhiều bất cập dẫn đến người dân vay vốn không nhiều.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn. Việc định giá tài sản của người dân hiện nay đang khó thực hiện. Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hầu hết các cơ quan chức năng tại địa phương chưa cấp quyền sở hữu đối với cây lâu năm, vì thế cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo không nhận đăng ký. Còn đối với các doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu vay vốn tái canh rất lớn, nhưng đất canh tác của họ là đất thuê trả tiền hằng năm nên không có tài sản thế chấp.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành của ngân hàng, người dân khi thực hiện vay vốn tái canh phải có đầy đủ chứng từ hóa đơn mới thực hiện giải ngân các bước tiếp theo. Nhưng, người dân vẫn có thói quen mua bán trao tay các loại giống cây trồng, phân, bón… nên không có hóa đơn chứng từ. Hơn nữa, thời gian qua, ngân hàng thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất nhưng không được ngân sách nhà nước cấp bù, không được hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp.

Để người dân dễ tiếp cận hơn với gói tín dụng tái canh cà phê, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại. Trường hợp thực hiện tín dụng chính sách, thì đề nghị có cơ chế ngân sách cấp bù. Các cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn; đồng thời, nâng mức đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay tái canh từ 180 triệu đồng lên 200 triệu đồng/ha.

Về phía chính quyền địa phương, trong thời gian tới, cũng cần đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản trên đất để người dân có đủ điều kiện thế chấp, tín chấp tài sản vay vốn tại ngân hàng.

Thiết nghĩ, để tái canh cây cà phê một cách hiệu quả bền vững, người dân cần tự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề, hướng vào tái canh bền vững tránh tâm lý ăn xổi ở thì.

Bên cạnh đó, các cơ quan khuyến nông cũng cần đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn người dân trồng cà phê để họ có đủ kiến thức mạnh dạn lựa chọn phương pháp tái canh, cải tạo cà phê đem lại năng suất, chất lượng hiệu quả cao.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.