Trước đó, tại phiên họp thứ 28 (tháng 12/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình những nội dung có nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Đồng thời, cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định.
Đặc biệt, với những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp, các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.
Do đó, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì có 3 nội dung được đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường. Thứ nhất là xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nội dung thứ ba là xem xét thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
Các nội dung này đều được bố trí trong phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ chiều 8 - 9/1.