Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều vấn đề liên quan đến đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS được Đại biểu Quốc hội quan tâm

Hoàng Quý - 17:00, 03/11/2023

Chiều 3/11, tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra nhiều vấn đề xoay quanh việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): Các chính sách hỗ trợ đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS trong cả nước

Tranh luận về vấn đề quản lý, sử dụng đất, trong đó có việc giải quyết về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ĐB Nguyễn Tạo khẳng định, thời gian qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ đã có tác động rất lớn, làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trong cả nước.

Đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất đã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS đã giảm nhanh, từng bước cuộc sống ổn định hơn và nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, theo ĐB, quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, kéo theo tình trạng thiếu đất rừng, đất sản xuất, rừng bị khai phá trái phép, tranh chấp đất đai diễn ra ở nhiều vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, có tình trạng đồng bào DTTS di dân tự phát, du canh, du cư vẫn còn tiếp diễn.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với vùng đồng bào DTTS. Việc dự luật lần này quy định về chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS của Nhà nước về đất đai đã góp phần ổn định hơn, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Tuy nhiên, để góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS hơn cũng như khuyến khích người dân không phải là đồng bào DTTS đến cư trú và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này, ĐB cho rằng cần có bảo đảm về mặt pháp lý để tránh lỗ hổng pháp lý và bảo đảm sự công bằng.

Đại biểu Vi Đức Thọ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La)
Đại biểu Vi Đức Thọ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La)

Đại biểu Vi Đức Thọ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La): Quy định chính sách đất đai cho đồng bào DTTS đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18

ĐB cho biết, về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, sau khi chỉnh lý, dự thảo luật có bổ sung một số quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS ở nhiều điều, khoản khác nhau.

Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng trong dự thảo luật là đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào DTTS và miền núi, như vậy là đã bị thu hẹp so với chủ trương của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. ĐB đề nghị tiếp tục xem xét, quy định chính sách đất đai cho đồng bào DTTS bảo đảm đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai của đồng bào DTTS, ĐB cho biết, khoản 2, Điều 16 có quy định: Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo quy định.

ĐB cho rằng quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, tạo ra sự không công bằng. Các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các địa bàn ngoài vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được phân định sẽ không được hưởng chính sách. ĐB đề nghị chính sách phải bám sát chủ trương của Nghị quyết 18, đối tượng là đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, không phân biệt theo địa bàn, nhưng có sự ưu tiên với hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn): Thể chế hoá đúng, đủ về chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi

Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, ĐB nhận thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào DTTS. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách được hỗ trợ, và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến HĐND và UBND các cấp.

Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, ĐB Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, Điều 16 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải là cá nhân đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang phải sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Như vậy, cá nhân là người đồng bào DTTS tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương....

Về việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Điều 48, ĐB nhận thấy, việc thiết kế chính sách như dự thảo Luật nhằm bảo toàn quỹ đất để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định này; đồng thời đề nghị các cơ quan đánh giá kỹ hơn về tác động của vấn đề này.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk): Kỳ vọng chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, ĐB Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, cử tri và Nhân dân đang rất mong đợi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật này; đồng thời bày tỏ quan tâm đến chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa các dân tộc

ĐB cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. ĐB cho rằng, tuy chỉ là bổ sung một từ “tín ngưỡng” thôi nhưng đã phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các DTTS.

ĐB nhấn mạnh, theo truyền thống đối với cộng đồng các DTTS, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất, mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Điều kiện cần và đủ cho mỗi buôn làng.

Đất đai không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian duy trì các mối quan hệ xã hội, giữa các cộng đồng, giữa cá nhân và cộng đồng. Hơn thế nữa còn điều chỉnh cả mối quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên. Điều này đã góp phần hình thành tri thức ứng xử với tự nhiên một cách cân bằng…

ĐB nhấn mạnh, khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào. Do vậy, ĐB bày tỏ kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật đất đai (sủa đổi) lần này sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề này. Việc dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.