Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” tại Hà Nội
Triển lãm do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội.
Triển lãm chia thành 5 khu trưng bày: Triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa“; Khu trưng bày: Toàn xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa“, “Uống nước nhớ nguồn“; Triển lãm “Công an nhân dân - 75 năm đền ơn đáp nghĩa“; Triển lãm “Sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa“; Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình”
Đặc biệt, Triển lãm nhấn mạnh, nêu bật sự quan tâm của chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang, công trình tưởng niệm; chương trình xây nhà tình nghĩa, tặng số tiết kiệm, đỡ đầu con liệt sĩ…
Tại khu vực này, còn có không gian trưng bày sách, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công; Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ...
Triển lãm là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn“, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, làm cho đạo lý nhân văn tốt đẹp sống mãi.
Triển lãm ảnh Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ tại TP. Hồ Chí Minh
Triển lãm do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP. Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại 3 địa điểm: Tuyến đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, đối diện Công viên Chi Lăng.
Tại đường Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi, Ban tổ chức trưng bày 72 hình ảnh với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh và tư liệu quý giá thể hiện tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ; những lời căn dặn trong Bản Di chúc lịch sử; sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của Bác đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với Cách mạng…
Cùng thời điểm này, tại đường Đồng Khởi, Ban tổ chức cũng trưng bày 50 hình ảnh với chủ đề “Tri ân các Anh hùng, liệt sĩ, TP. Hồ Chí Minh tự hào tiếp bước”.
Triển lãm còn tuyên dương các Mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống tại TP. Hồ Chí Minh; những gương điển hình thương binh “tàn nhưng không phế”, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng tích cực phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ hội nhập, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, phát huy tinh thần “gia đình cách mạng gương mẫu” góp phần đáng kể trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với quốc tế.
Triển lãm ảnh và hiện vật mang tên “Sống như Anh” tại Bảo tàng Đà Nẵng:
Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng 25 ảnh và 17 hiện vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi với 2 chủ đề "Nguyễn Văn Trỗi - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung" và "Tưởng niệm và tri ân Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi".
Dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng nghĩa sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải nhằm bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến công lao của các vị tướng lĩnh, binh lính triều Nguyễn và các anh hùng nghĩa sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng đã ngã xuống trong buổi đầu kháng Pháp năm 1858 - 1860.
Ngày 27/7, tại Bảo tàng sẽ diễn ra buổi Tọa đàm “Nghĩa sỹ trong buổi đầu chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng năm 1858 - 1860”.