Chồng chéo bất cập
Trao đổi tại Hội thảo Chính sách đất đai cho đồng bào DTTS ở Việt Nam - một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tổ chức đầu tháng 11/2021, TS. Phạm Xuân Phương, nguyên cán bộ Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một trong những bật cập nhất trong Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai hiện nay là chưa thống nhất về khái niệm “đất rừng”, “đất lâm nghiệp”.
Cụ thể, Luật Đất đai sử dụng cụm từ "đất rừng", nhưng không có phần giải thích từ ngữ về "đất rừng" là gì?, cụm từ "đất lâm nghiệp" không được đề cập trong Luật Đất đai, nhưng Thông tư 28 quy định đất lâm nghiệp gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Theo văn bản này, "đất rừng" và "đất lâm nghiệp", về cơ bản, có nghĩa như nhau, có thể sử dụng thay thế nhau.
Tuy nhiên, theo quy định từ Luật Lâm nghiệp, "đất lâm nghiệp", không phải chỉ bao gồm đất rừng, mà còn bao gồm đất xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản. Vì lâm nghiệp bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Một bất cập nữa cần nhắc tới có liên quan trực tiếp tới đồng bào DTTS, đó là quy định về "đất tín ngưỡng", "rừng tín ngưỡng". Theo Luật Lâm nghiệp (khoản 8, Điều 2), rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng (rừng ma, rừng thiêng...). Trong khi đó, theo Luật Đất đai (Điều 160), đất tín ngưỡng bao gồm, đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. Như vậy, khái niệm rừng tín ngưỡng rộng hơn so với đất tín ngưỡng theo Luật Đất đai, ngoài các công trình còn bao gồm cả những khu rừng gắn liền với công trình.
Ngoài ra, Luật Lâm nghiệp còn nhiều hạn chế ở các quy định về thửa đất, lô rừng, quy định về tiêu chí rừng trồng, phân loại đất, phân loại rừng, quy hoạch sử dụng đất, rừng…Những bất cập này, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hưởng lợi của người DTTS trong quá trình sống dựa vào rừng.
PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam nhấn mạnh, cùng là “chủ rừng”, nhưng vị trí pháp lý của cộng đồng DTTS rất hạn chế so với các chủ rừng khác. Cụ thể, hiện nay có 11.525 cộng đồng DTTS được giao đất rừng và rừng (ước tính 90% số cộng đồng), nhưng không rõ giao bao nhiêu ha rừng. Tuy nhiên, đối tượng chủ rừng này không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng được giao.
Cần điều chỉnh
Trên cơ sở chỉ ra các bất cập chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp, TS. Phạm Xuân Phương đề xuất, bổ sung quy định về "đất lâm nghiệp" vào Luật Đất đai. Theo đó, Luật Đất đai cần quy định đất lâm nghiệp là đất đang có rừng tự nhiên hoặc đang có rừng trồng đạt tiêu chí rừng; đất đang khoanh nuôi để phục hồi rừng; đất mới trồng rừng nhưng chưa thành rừng; đất đang trồng rừng hoặc đã giao, đã cho thuê để trồng rừng và diện tích đất trống trong ranh giới các khu rừng đã được quyết định loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động chế biến và thương mại lâm sản.
Luật Đất đai cũng cần bổ sung quy định về đất rừng. Theo đó, cần quy định đất rừng là các loại đất có tên gọi trùng với tên gọi của loại rừng tương ứng và ranh giới thửa đất rừng trùng với ranh giới phạm vi rừng được xác định theo quy định của pháp luật lâm nghiệp.
Đồng thời, Luật Đất đai cần bổ sung thêm, đất tín ngưỡng, ngoài bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp cần quy định thêm đất rừng tín ngưỡng theo quy định của pháp luật lâm nghiệp.
Kiến nghị nhằm tăng quyền cho cộng đồng dân cư DTTS hưởng lợi từ rừng, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi đề xuất, thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường điều tra hiện trạng đất rừng và rừng cho đồng bào DTTS đang quản lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ rừng là cộng đồng DTTS đầu tư vào rừng sản xuất, cơ chế, chính sách hỗ trợ về cấp chứng chỉ rừng đối với gỗ từ rừng sản xuất của cộng đồng, cơ chế, chính sách về quyền chuyển nhượng rừng và đất rừng.