Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhiều khó khăn trong giảm thiểu tảo hôn ở Cao Bằng

PV - 09:40, 03/09/2019

Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp can thiệp, nhưng tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nhiều hệ lụy

Vừ Văn Sùng, sinh năm 2002, ở xóm Lũng Vài, xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm) quen Tẩn Lao Lở, sinh năm 2004, qua mạng xã hội. Một đám cưới được tổ chức khi Sùng đang học lớp 7, Lở học lớp 5; cả hai cùng bỏ học. Sau đó một năm, Sùng và Lở có con đầu lòng, rồi đứa kế tiếp. Đến nay hai vợ chồng trẻ đã có 3 đứa con.

Lập gia đình sớm, lại đông con nên cơ ngơi của đôi vợ chồng trẻ hiện chỉ là túp lều nhỏ lợp cỏ tranh, vách đan từ tre, bên trong chỉ có duy nhất một chiếc giường ngủ. Hằng ngày, hai vợ chồng phải “ăn bữa nay lo bữa mai” cho 5 nhân khẩu. Không có đất sản xuất, lại thiếu kinh nghiệm nên gia đình Sùng-Lở vẫn là hộ nghèo của xóm Lũng Vài.

Vợ chồng Sùng-Lở là một trong những điển hình cho tình trạng nghèo vì tảo hôn trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Theo ông Phan Văn Mạch, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm cho biết, từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện có 85 cặp tảo hôn; hầu hết các trường hợp tảo hôn đều thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông. Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông.

Không chỉ huyện Bảo Lâm mà tình trạng tảo hôn cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở 5 huyện: Nguyên Bình, Thông Nông, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Chỉ tính riêng tại huyện Nguyên Bình, trung bình mỗi năm có từ 20 đến 30 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhưng đây chỉ là bề nổi bởi ở nhiều địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn nên rất khó để cập nhật số liệu. Hơn nữa, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều hộ vì sợ bị xử lý khi để xảy ra tảo hôn nên không khai báo.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng chậm. Nguyên nhân do hủ tục lạc hậu đã tồn tại lâu trong đồng bào DTTS không dễ thay đổi. Ngoài ra, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Cần tiếp tục tăng cường các giải pháp

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, ngoài các nguyên nhân khách quan nêu trên thì còn có những nguyên nhân chủ quan khác. Đáng chú ý là việc kết hợp các giải pháp trong ngăn chặn tảo hôn chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, xã hội. Chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt xử lý các vụ vi phạm về luật Hôn nhân và Gia đình.

Nhưng ông Hùng cũng cho rằng, để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, trong đó lấy phòng ngừa là chính.

Lấy xã Bình Lãng của huyện Thông Nông làm dẫn chứng, ông Hùng cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xã Bình Lãng đã thành lập các tổ tư vấn tại từng xóm để tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến người dân.

Nhờ đó, trong năm 2018, xã Bình Lãng có 5 trường hợp có nguy cơ tảo hôn, các tổ tư vấn đã tuyên truyền, vận động hoãn cưới được 4 trường hợp, còn 1 trường hợp đã cưới tảo hôn nhưng đã vận động chưa sinh con. 6 tháng đầu năm 2019, xã Bình Lãng chưa có trường hợp tảo hôn.

Cũng như xã Bình Lãng, nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, thiết nghĩ cùng với việc tuyên truyền, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn; có những giải pháp tăng cường xử lý các vụ vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Có như vậy mới mong giải quyết triệt để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng chậm. Nguyên nhân do hủ tục lạc hậu đã tồn tại lâu trong đồng bào DTTS không dễ thay đổi”.  (Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng).

HOÀI DƯƠNG