Tại Thủ đô Hà Nội, trong các ngày 30-31/12/2018 đã diễn ra chuỗi chương trình “Ký ức Hà Nội” với các hoạt động: Khai mạc triển lãm tranh ký hoạ “Ký ức Hà Nội”, ra mắt sách “Tập thể cũ Hà Nội-Ký hoạ và hồi ức” và hoạt động trải nghiệm bữa cơm thời bao cấp.
Triển lãm “Ký ức Hà Nội” trưng bày 250 bức ký họa cũng là những sáng tác trong cuốn sách “Tập thể Hà Nội-Ký họa & hồi ức” của các họa sĩ chuyên và không chuyên của nhóm Urban Sketchers. Những nét vẽ tinh tế và chân thực đã tạo nên một không gian ngập tràn ký ức về một thời Hà Nội nghèo mà bình dị và thấm đẫm tình người. Đó là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, là cửa hàng mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh…
Cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội-Ký họa & hồi ức” của nhiều tác giả, gồm nhiều trang ký hoạ và những câu chuyện của nhiều nhân vật, những người từng sống, gắn bó với Hà Nội, có những trải nghiệm về cuộc sống ở các khu tập thể Hà Nội như: PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, tác giả Hùng Lê, Phạm Minh Trang, Nguyễn Thị Thanh Hà... Những câu chuyện chân thật, được kể với văn phong tự nhiên khiến nhiều người đọc hiểu hơn cuộc sống của người Hà Nội ở các khu tập thể: Kim Liên, Bách Khoa, Phương Mai, Khương Thượng…
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức còn bày rất nhiều món ăn vặt gợi nhớ một thời của nhiều thế hệ người Việt như: bỏng gạo, kẹo dồi, mứt me, mứt bí, mứt gừng… Hay bữa cơm thời bao cấp như lạc rang muối, canh cua rau sam tập tàng, cà pháo, rau muống, cơm độn sắn, bo bo… Hoạt động ẩm thực đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ với nhiều người trẻ, gợi lại nhiều ký ức sâu xa của những người lớn tuổi.
Cũng tại Thủ đô, dịp Tết Dương lịch vừa qua đã diễn ra các hoạt động “Chợ phiên vùng cao” đón chào năm mới 2019 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Chợ phiên vùng cao giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc của cộng đồng dân tộc Mông, Lào, Kháng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú. Giới thiệu ẩm thực dân tộc như: thắng cố, mèn mén, xôi nếp bảy màu, gà quay dân tộc, nấu rượu ngô, thịt nướng…; Bán các sản vật đặc trưng địa phương như: thổ cẩm, nhạc cụ, rượu, măng,..; Giới thiệu nghề thủ công truyền thống: dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ, nấu rượu, rèn,...
Bên cạnh đó, chương trình dân ca dân vũ “Vui chợ phiên chào đón năm mới” với các tiết mục dân ca, dân vũ, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào đón năm mới của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Tại TP. Hồ Chí Minh trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch đã diễn ra Liên hoan Lân-Sư-Rồng TP. Hồ Chí Minh lần 2 tại Công viên Văn Lang, phường 9, quận 5. Liên hoan năm nay thu hút 25 đoàn của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia, tăng gấp đôi so với năm 2016. Liên hoan đã mang đến 18 màn trình diễn lân địa bửu, 14 phần biểu diễn lân (hoặc sư) lên mai hoa thung, 1 gian hàng chế tác đầu lân và 3 gian hàng lương y nghề võ. Điểm nhấn của liên hoan là xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam về đồng diễn múa lân với sự tham gia của 108 con lân tại Công viên Văn Lang.
Một hoạt động thu hút đông đảo người dân thành phố mang tên Bác đón đợi vào đêm giao thừa Tết Dương lịch, đó là Chương trình bắn pháo hoa tại đường hầm sông Sài Gòn (quận 2) và Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11)…
Còn tại tỉnh Điện Biên, trong ngày đầu năm mới 2019 đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng năm mới; khai mạc Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ năm và Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thị xã Mường Lay. Lễ hội bắt đầu bằng nghi lễ tế thần sông nước, sau đó là phần tranh tài sôi nổi của 9 đội đua trên đường đua dài 1.000m.
Tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra triển lãm Nhân kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2018). Triển lãm giới thiệu gần 1.500 hiện vật gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân Đà Lạt qua các thời kỳ. Tất cả kỷ vật trưng bày lần này đều do các cá nhân tự nguyện đóng góp.
Còn tại TP. Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra chương trình đón giao thừa chủ đề Thắp sáng di sản-Chào đón 2019. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng 3.000 chiếc đèn lồng, 50 khinh khí cầu đầy màu sắc và màn biểu diễn pháo hoa.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành khác trong cả nước đều diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, chào đón một năm mới 2019 với nhiều niềm tin và hy vọng mới.
NGỌC ÁNH