Các chương trình sẽ diễn ra vào 2 ngày 18 và 19/5 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc và 11 địa phương, cùng với khoảng 25 nghệ nhân người Gia Rai, tỉnh Gia Lai.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là chương trình dân ca dân vũ “Tây Nguyên với Bác Hồ, Bác Hồ với Tây Nguyên”. Các tiết mục trong chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân ca dân vũ thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Trong chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện kể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tình cảm của Bác Hồ với mảnh đất này, cũng như từ tấm gương của Bác để đồng bào noi theo và học tập.
Các hoạt động trong chương trình diễn ra theo cụm. Đối với cụm các dân tộc phía Bắc: Đồng bào cùng nhau kể những câu chuyện về Bác Hồ khi Người về hoạt động cách mạng tại Cao Bằng và xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Màu áo chàm thân thương của đồng bào dân tộc Tày, Nùng… là hình ảnh gợi nhớ cho những ngày gian khổ ấy; tấm lòng, tư tưởng sự giản dị ấm áp của Bác Hồ mãi mãi trong trái tim của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đối với cụm Tây Nguyên: Bà con cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về Bác. Riêng đối với làng dân tộc Tà Ôi, tạo điểm nhấn với tình cảm của những người con họ Hồ. Tại đây, du khách được tìm hiểu các câu chuyện về Bác, tình cảm của đồng bào Tà Ôi với Bác Hồ thông qua chương trình “Thiếu nhi về với làng đồng bào mang họ Bác”…
Đối với cụm Nam Bộ: Đồng bào cùng thể hiện lời ca, tiếng hát, mong ước của Người về nỗi nhớ da diết miền Nam; tình cảm của những người con Khmer Nam Bộ với Bác.