Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Các hoạt động trưng bày, triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 05/10/2024 tại Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, số 19 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.
Một trong những điểm nhấn của chuỗi sự kiện là trưng bày tư liệu "Hà Nội và những Cửa ô", do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức.
Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những Cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 03 chủ đề: Cửa ô xưa; Cửa ô chiến thắng; Cửa ô Hà Nội hôm nay.
Trưng bày tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội nhằm cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Trong chuỗi hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long còn có hoạt động Trưng bày tranh về Hoàng Thành và cảnh non sông, di sản văn hoá của Hà Nội mang tên "Dấu thiêng" của hoạ sĩ Chu Nhật Quang diễn ra từ ngày 05/10/2024 – 15/10/2024. Sưu tập tranh sơn mài "Dấu thiêng" gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống vẽ về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.
Để nâng cao trải nghiệm của du khách, Nhà trưng bày chuyên đề "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" đã được chỉnh lý nội dung và không gian theo hướng hiện đại, hấp dẫn. Việc bổ sung công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác, tủ trưng bày chuyên dụng gắn màn hình cảm ứng OLED giúp du khách tương tác và cảm nhận được những giá trị đặc biệt của di vật, tạo nên một không gian trưng bày sống động và thu hút.
Tưng bừng hoạt động trong Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 với những câu chuyện kể về lịch sử hào hùng của Thủ đô trong suốt hành trình 70 năm qua với đa dạng các hoạt động là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Đây là sự kiện do Sở Du lịch Hà Nội; Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội; Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức.
Lễ khai mạc với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa Áo dài” sẽ diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội vào tối 4/10. Sân khấu khai mạc sẽ làm sống lại một phần hình ảnh của Thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. Hòa vào không gian ấy, nhiều hoạt cảnh, bài múa, tiết mục trình diễn thời trang sẽ tái hiện lại Hà Nội – Thủ đô anh hùng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, đang không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập.
Chương trình sẽ có sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng sẽ mang đến những ca khúc hào hùng, gắn liền với lịch sử Hà Nội 70 năm của Thủ đô. Tại Lễ khai mạc sẽ trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế áo dài đến từ mọi miền Tổ quốc như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân, Thủy Nguyễn, La Hằng, Vũ Thảo Giang, Lưu Quỳnh Lan... và nhiều thương hiệu áo dài.
Carnaval Áo dài sẽ diễn ra vào sáng ngày 5/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và một số tuyến phố phụ cận. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”.
Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội triển khai tổ chức hoạt động biểu diễn và diễu hành quy mô lớn nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến đông đảo người dân, bạn bè và du khách quốc tế. Hoạt động đồng diễn áo dài dành cho mọi độ tuổi, giới tính, được triển khai đến 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn có nhiều hoạt động đặc sắc: Chương trình nghệ thuật “Đêm hội Áo dài” với sự tham gia của của 70 nhà thiết kế áo dài và phần trình diễn thời trang áo dài của phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam; chung kết cuộc thi Thiết kế Áo dài; Không gian triển lãm, trưng bày giới thiệu áo dài của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; Không gian triển lãm ảnh Áo dài; Không gian thao diễn tạo tác tác phẩm của các nghệ nhân; Không gian văn hóa nghệ thuật; Không gian trò chơi dân gian; Không gian thưởng thức ẩm thực Hà Thành “Thăng Long ngũ vị”...
Hưởng ứng lễ hội, trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động đáng chú ý: City Bus “Tinh hoa áo dài” với sự tham gia của 700 hành khách trong trang phục áo dài và 1.010 hành khách đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội vào ngày 4/10 và 10/10; Chương trình “Áo dài kết nối Du lịch và Di sản Hà Nội năm 2024”; Thử thách “Check in Ha Noi” với Áo dài; Thử thách “Ao dai Dance” – Vũ điệu Áo dài…