Sóc Trăng:
Tỉnh Sóc Trăng vừa quyết định từ 0h ngày 16/9 tỉnh sẽ triển khai phương án phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới và thực hiện theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND, ngày 15/8/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực lớn trong công tác phòng chống dịch, nhất là từ khi tỉnh thực hiện phân vùng nguy cơ theo các mức nguy cơ từ vùng màu đỏ, cam, vàng, xanh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 2 xã “vùng đỏ”, 4 xã “vùng vàng”, còn lại 103 xã, phường, thị trấn là “vùng xanh”. Riêng đối với 2 xã “vùng đỏ” gồm xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên và xã Đại Hải, huyện Kế Sách, các địa phương này đều cho rằng sẽ đủ điều kiện chuyển sang “vùng cam” vào ngày 15/9.
Vĩnh Long:
Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị với các địa phương đánh giá việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 từ ngày 16/8 đến 13/9/2021. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, đến nay tỉnh đã kiểm soát tốt được dịch bệnh trong cộng đồng.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Long quyết định từ 0h ngày 16/9 sẽ thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với các khu vực: Khóm 4 (Phường 3, TP. Vĩnh Long), xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) và xã Hiếu Nhơn (huyện Vũng Liêm) do vẫn còn ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nên thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 21/9.
Theo đó, các dịch vụ ăn uống bán mang về; nội bộ vùng xanh được di chuyển để sản xuất kinh doanh. Người dân được cấp phiếu đi chợ 2 lần/tuần. Hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện thuỷ, bộ tiếp tục tạm dừng. Người dân từ vùng dịch trở về vẫn thực hiện cách ly 14 ngày. Tiếp tục duy trì hạn chế giờ ra đường từ 19h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.
Tiền Giang:
Từ 0h ngày 16 đến 20/9, TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và Châu Thành tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16. Sau ngày 20/9, tỉnh căn cứ vào mức độ nguy cơ và khả năng kiểm soát dịch của 3 địa phương này để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15.
Qua nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Số ca mắc trong cộng đồng liên tục giảm, tăng dần “vùng xanh” và giảm dần “vùng đỏ, cam, vàng”. Công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo, ý thức của người dân trong phòng, chống dịch không ngừng được nâng lên.
Dù nới lỏng giãn cách nhưng người dân trong toàn tỉnh vẫn được yêu cầu không ra đường trong khoảng thời gian từ 19h đến 5h sáng ngày hôm sau, trừ các trường hợp cấp thiết. Tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được phép hoạt động nhưng chỉ bán mang đi.
Đồng Tháp:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, thống nhất 4 huyện, thành phố (bờ Nam sông Tiền) gồm: Sa Đéc, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. 8 huyện, thành phố còn lại sẽ áp dụng giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn so với Chỉ thị số 15 (15+), gồm: TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình.
Thời gian qua tỉnh có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống dịch và các mục tiêu đặt ra đều có chuyển biến tích cực. Các địa phương dù áp dụng Chỉ thị 15 ở mức cao hay Chỉ thị 16 đều phải đảm bảo giãn cách, không được tụ tập đông người nơi công cộng và phải tiếp tục quan tâm giúp đỡ người dân gặp khó khăn do, rà soát, hỗ trợ điều kiện cần thiết cho học sinh học trực tuyến.
Đồng Tháp có 97 “vùng xanh” được UBND cấp huyện công nhận, 1.067 “vùng xanh” được UBND cấp xã công nhận; 8 xã dự báo nguy cơ rất cao và 96 xã dự báo bình thường mới.
Trà Vinh:
Tỉnh Trà Vinh hiện chỉ còn 4 xã, phường, thị trấn giãn cách theo Chỉ thị 16, còn lại thực hiện Chỉ thị 15 kể từ ngày 10/9. Dù được nới lỏng giãn cách nhưng người dân vẫn không ra đường trong khoảng thời gian từ 20h đến 5h sáng hôm sau, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Trà Vinh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại nhưng chỉ bán mang đi.
Đồng Nai:
Do diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp trên địa bàn nên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất điều chỉnh thời gian mở cửa kinh tế sau ngày 20/9 thay vì sau ngày 15/9 như dự kiến ban đầu.
Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy là nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế ở vùng xanh, khóa chặt và thu hẹp vùng đỏ, thích nghi an toàn với dịch bệnh. Một số nội dung chính trong kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế sau 20/9 của Đồng Nai như sau:
Tại vùng xanh: Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động, hàng không thiết yếu chỉ được hoạt động khi người lao động được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin trên 14 ngày. Người dân tại vùng xanh đã được tiêm 2 mũi vắc xin và người đã khỏi bệnh Covid-19 trong 180 ngày được phép ra đường thực hiện các hoạt động thiết yếu.
Mở lại một số hoạt động thương mại, dịch vụ. Các DN, hộ kinh doanh sản xuất tại vùng xanh được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Các điểm kinh doanh chỉ bán mang về, 1 người bán và 1 người mua tại một thời điểm. Hoạt động tại các chợ truyền thống ở vùng xanh vẫn giữ nguyên.
Đối với các DN “3 tại chỗ”: Thực hiện hoán đổi người lao động (xanh đổi xanh) để duy trì sản xuất với điều kiện DN không có F0 và tổ chức xe đưa đón hàng ngày. Đối với DN không hoạt động “3 tại chỗ”, người lao động di chuyển phải từ vùng xanh. Người lao động phải được tiêm 1 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính…
Các lĩnh vực được mở có điều kiện sau 20/9 gồm: Hoạt động xây dựng ở vùng xanh; Nông nghiệp (thu hoạch nông lâm, thủy sản); Giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa…Riêng dịch vụ văn hóa, thể thao du lịch tiếp tục tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Tại vùng đỏ, vùng cam và vùng vàng: Đồng Nai tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo quy định cho đến khi có thông báo mới.
Đà Nẵng:
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có quyết định về tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bổ sung một số hoạt động mà người dân được phép tham gia từ 8h ngày 16/9. Theo đó, từ 8h ngày 16/9, bên cạnh nhiều hoạt động được nới lỏng, người dân thuộc “vùng xanh” trên địa bàn được đi chợ 3 ngày/lần, “vùng vàng” 5 ngày/lần.
Hoạt động của các cửa hàng (vật liệu xây dựng; dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; văn phòng phẩm, cửa hàng máy vi tính, cửa hàng bán giống cây trồng và vật tư nông nghiệp) được bố trí tối đa 50% số người làm việc. Người dân được đến các cửa hàng này trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố.
Các đơn vị bưu chính, viễn thông; báo chí được bố trí tối đa số người làm việc. Hoạt động ngân hàng, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, trạm quản lý đường bộ, được bố trí tối đa 70% số người làm việc. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; các cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, điện, nước, xăng dầu được bố trí tối đa 50% số người làm việc.
Tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, khu công nghiệp, đối với nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có dưới 100 lao động thì được bố trí tối đa số người làm việc. Đối với nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có từ 100 lao động trở lên thì được bố trí tối đa 70% số người làm việc. Trường hợp đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” thì được bố trí số người làm việc theo phương án.
Hoạt động của cơ quan, công sở Nhà nước được bố trí tối đa 70% số người làm việc; cơ quan, công sở có 100% người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 thì được bố trí tối đa số người làm việc.
Đối với vùng xanh và liên vùng xanh (nhiều vùng xanh cấp phường, quận liền kề nhau), người dân được ra khỏi nhà để đến siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Chợ truyền thống được bán hàng trực tiếp cho người dân trong phạm vi vùng xanh và liên vùng xanh. Mỗi hộ gia đình được lựa chọn đi siêu thị hoặc đi chợ với tần suất 3 ngày/lần và phải có giấy mua hàng mã QR theo quy định.
Việc luyện tập thể dục, thể thao tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh được hoạt động trong khoảng thời gian từ 5h-7h và từ 17h-19h, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mạng về hoặc nhận đặt hàng, bán hàng qua mạng.
Thanh Hóa:
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3604/QĐ-UBND về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 15/9, thành phố Thanh Hóa sẽ dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trừ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (thành phố Thanh Hóa) và các vùng có nguy cơ cao từ "ổ dịch" này. Bên cạnh đó, các huyện Nông Cống, Nga Sơn cũng sẽ dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, trừ một số nơi đang có người nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm SAR-CoV-2 cao.
Cùng với đó, từ 0 giờ ngày 15/9, tỉnh Thanh Hóa sẽ mở lại 1 số hoạt động, dịch vụ nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và một số điều kiện hạn chế.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa cho phép các địa phương thí điểm mở các khu, điểm du lịch, danh thắng nếu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhưng chỉ được hoạt động không quá 50% công suất (chỉ đón và phục vụ khách trong tỉnh); khách và người trực tiếp hướng dẫn khách đến tham quan phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và thực hiện nghiêm khai báo y tế, khai báo các điểm đến, thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Các sân golf, sân tập golf được phép hoạt động trở lại, nhưng chỉ được phục vụ không quá 50% công suất, không đón khách ngoài tỉnh, không cung cấp dịch vụ ăn uống tập trung, xông hơi, massage, tắm công cộng… Khách đến chơi golf và nhân viên sân golf phải có xác nhận tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán càphê, đồ uống, giải khát chỉ được bán hàng mang về, mang đi. Khách sạn, cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng chỉ phục vụ khách hiện đang lưu trú và phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, đám hỏi, đám cưới, đám tang... chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình và tại nhà riêng, với số lượng không quá 25 người. Không tập trung quá 10 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm ở vườn hoa, công viên, quảng trường, đường phố, bãi biển và tại các khu vực ngoài trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh, trường học, cơ sở y tế và các nơi công cộng khác.
Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội được tổ chức phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch COVID-19, số lượng người tham dự không quá 50 người/phòng họp,
Đối với hoạt động vận tải hành khách, tỉnh Thanh Hóa cho phép xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách hoạt động trong nội tỉnh, chỉ sử dụng không quá 50% số ghế ngồi và phải có sổ ghi chép lịch trình của hành khách.
Từ 0 giờ ngày 15/9, các dịch vụ cắt tóc, gội đầu được phép mở cửa trở lại, nhưng mỗi lượt đón không quá 2 khách.
Thanh Hóa vẫn tiếp tục tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử; các quán bar, vũ trường, bể bơi, phòng tập gym, yoga, spa-chăm sóc sắc đẹp; dừng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, thể thao, các hoạt động sự kiện tập trung đông người... để phòng, chống dịch.
Tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh và ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Hải Phòng:
Để sớm ổn định đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch, từ ngày 15/9.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 15/9, được hoạt động trở lại các vườn hoa, công viên nhưng không được tập trung quá 10 người một chỗ trong cùng một thời điểm và phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m.
Các nhà hàng ăn uống không phục vụ quá 10 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải đóng cửa trước 22 giờ hằng ngày.
Các dịch vụ ăn uống trên các hè phố được phục vụ tại chỗ từ 5h00 đến 9h00 hằng ngày, ngoài khung giờ trên chỉ được bán mang về.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, tiệm chăm sóc sắc đẹp, gội đầu, làm móng hoạt động không quá 50% công suất và phục vụ không quá 10 người trong cùng một thời điểm.
Các phòng khám răng hàm mặt, phòng khám tai mũi họng tư nhân được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, nếu phát hiện các trường hợp có ho, sốt đế phòng khám thì phải thông báo ngay cho trạm y tế trên địa bàn để phối hợp lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Các cơ sở được phép hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm Thông điệp "5K" của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19./.