Khánh Hòa: Từ 0h ngày 14/8 đến 0h ngày 20/8 thực hiện cách ly toàn xã hội đối với thành phố Nha Trang. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu trong 7 ngày người dân TP. Nha Trang ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm việc người cách ly với người, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội bố trí, sắp xếp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, nếu trong trường hợp cần thiết phải làm việc tại đơn vị thì bố trí xe đơn vị đưa đón.
Riêng đối với cơ quan phục vụ chiến đấu, trực chống dịch, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên y tế đảm bảo 100% quân số. Ngân hàng, công ty chứng khoán hoạt động ở mức tối thiểu để đảm bảo cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ" để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị.
Chỉ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị; các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ,” các bếp ăn từ thiện; cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch, tình nguyện viên, cứu trợ nhân đạo, người đi tiêm vaccine; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sỹ lưu trú và phục vụ cách ly cho công dân, chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do UBND tỉnh, UBND TP. Nha Trang quy định được hoạt động, nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh, vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường-2 địa điểm” mới được phép hoạt động.
Đồng Tháp: Ngày 14/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đến hết ngày 25/8. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện giải pháp cấp bách cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu, trong 10 ngày tới các địa phương tập trung bảo vệ bằng được thành quả chống dịch trong thời gian vừa qua, đó là: giữ cho được các vùng xanh đang có; đạt hiệu quả trong kiểm soát địa bàn, điều trị, hỗ trợ người dân và các hoạt động khác; phải giảm sâu số ca mắc mới và hạn chế số ca tử vong. Trên cơ sở ba nhiệm vụ này, các địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện trên địa bàn để có chuyển biến tích cực.
Trong việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương tăng cường phát huy vai trò của Tổ nhân dân tự quản trong công tác phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; đảm bảo tính rõ ràng, công khai minh bạch về loại vaccine tiêm chủng và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng là giáo viên để chuẩn bị năm học mới, người cao tuổi và công nhân của các doanh nghiệp, tình nguyện viên… Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận và cộng hưởng của người dân cùng cấp uỷ, chính quyền chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong chặng đường mới khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, ông Lê Quốc Phong lưu ý các địa phương phải quyết liệt hơn và nhanh hơn, chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình và khả năng của các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động “3 tại chỗ” và sắp tới sẽ là “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ, y tế tại chỗ), có phương án thẩm định, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Tinh thần chung là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Long An: Từ 0h ngày 16/8, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày nữa. Đồng thời, Long An phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, kiên quyết không để chặt ngoài, lỏng trong nhằm bảo vệ và giữ sạch vùng xanh; khống chế và kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các địa phương thuộc vùng đỏ, nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Long An là kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021.
Tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả chiến dịch xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng tại 5 địa phương vùng đỏ nhằm tách các ca F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác này tại các khu vực nguy cơ ở các địa phương còn lại; tập trung công tác phân tầng, điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của nhân dân.
Long An cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, chấp nhận cho tỉnh được thí điểm điều trị các ca F0 không triệu chứng tại nhà để giảm tải cho các cơ sở điều trị; đồng thời, đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm 600.000 liều vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế để tỉnh tiêm cho người dân trên địa bàn.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa có quyết định kéo dài giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày.
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương trong tỉnh phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Tăng cường kiểm tra, xử nghiêm các vi phạm Chỉ thị 16.
Công nhân, người lao động của các doanh nghiệp (có thẻ ra vào nhà máy, xí nghiệp) được phép đi lại trong khung 18h hôm trước đến 6h hôm sau để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vaccine, nhằm đảm bảo tiến độ tiêm vaccine. Các doanh nghiệp dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tổ chức test nhanh cho công nhân, người lao động.
Bển cạnh đó, cần quan tâm hơn công tác đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Không để nông sản đến kỳ thu hoạch bị ứ đọng, ách tắt lưu thông hàng hóa. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhân dân, chống bọn cơ hội làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương…
Sở Y tế TP Cần Thơ có tờ trình gửi UBND TP về phương án triển khai thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 16 - 25/8/2021.
Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, hiện tại, tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố nhanh, phức tạp, phát hiện nhiều ca F0 mới qua chiến dịch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Trong đó nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây, cụ thể là có một số khu vực từ “vùng xanh” chuyển thành vùng có nguy cơ, do phát hiện F0 qua sàng lọc cộng đồng.
Theo đánh giá mức độ nguy cơ, TP. Cần Thơ thuộc nhóm nguy cơ rất cao, có 7/9 quận huyện thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Trong 6 ngày thực hiện chiến dịch xét nghiệm tầm soát diện rộng, TP. Cần Thơ đã phát hiện 340 trường hợp dương tính nCoV, trong đó 251 F0 trong cộng đồng và 89 F0 khu phong tỏa.
Sở Y tế TP. Cần Thơ, dự báo trong thời gian tới, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng. TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ truy vết, sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp người nhiễm đưa vào khu cách ly, bệnh viện để theo dõi điều trị, tạo ra nhiều vùng xanh, phấn đấu đưa thành phố trở về trạng thái bình thường. Trước tình hình dịch bệnh như vậy Sở Y tế TP. Cần Thơ đã tiếp tục đề xuất giãn cách xã hội thêm 10 ngày (đến hết ngày 25/8)./.