Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều địa phương tạm dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19

Như Ý - 19:40, 03/05/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã phát đi công điện hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đội kiểm tra y tế trực chốt, nhắc nhở người dân rửa tay và đeo khẩu trang đúng theo quy định. Ảnh minh họa
Đội kiểm tra y tế trực chốt, nhắc nhở người dân rửa tay và đeo khẩu trang đúng theo quy định. Ảnh minh họa

Hà Nội: Từ 17 giờ ngày 3/5 tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.

Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của thành phố. Trong thời gian này, các trường học chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.

Trước đó Hà Nội cũng đã tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game từ 0 giờ ngày 30/4.

TP. Hồ Chí Minh: Từ 18 giờ ngày 3/5 các dịch vụ massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc kịch, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử ở TP.HCM sẽ bị tạm dừng hoạt động. Đồng thời dừng hoạt động Công viên Nước Đầm Sen vì chưa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ lễ vừa qua.

Về các nghi lễ tôn giáo, người đứng đầu chính quyền TP. HCM đề nghị phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Đồng thời sẽ tạm ngừng các hội nghị, hội thảo chưa thật sự cấp bách.

Lâm Đồng: Từ 19h ngày 3/5 tạm dừng các hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, nơi tập trung đông người có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm) cho đến khi có thông báo mới. Chợ Đêm Đà Lạt, khu phố đi bộ tại trung tâm Hoà Bình cũng sẽ tạm dừng hoạt động.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, nhất là các điểm đến du lịch. Các cơ quan chức năng thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

An Giang: Từ 0 giờ ngày 4/5 người dân trong địa bàn tỉnh An Giang phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; tạm dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết như: karaoke, quán bar, vũ trường, phòng game, massage, rạp chiếu phim… có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19  cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các cơ sở ăn uống, chợ đêm, phố đi bộ phải áp dụng triệt để giải pháp 5K của Bộ Y tế. Trường hợp các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống cố tình vi phạm, yêu cầu chính quyền địa phương xử phạt nghiêm và rút giấy phép kinh doanh, mua bán.

Riêng đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sắp đến, yêu cầu UBND TP. Châu Đốc xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, quy mô gọn nhẹ, triệt để áp dụng đeo khẩu trang, khoảng cách khi tổ chức lễ và chịu trách nhiệm đảm bảo các quy định phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Long An: Từ 12 giờ ngày 03/5/2021 tạm dừng một số hoạt động dịch vụ không cần thiết như karaoke, spa, quán bar, các điểm massage, xông hơi, phòng tập thể hình, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh trò chơi điện tử công cộng… cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh này sẽ không tổ chức các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết như các lễ hội, hội thảo, khu phố đi bộ, chợ đêm, kể cả các buổi họp mặt, liên hoan…

Trong trường hợp tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các biện pháp dự phòng theo đúng quy định và đặc biệt bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.

Bạc Liêu: Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian thực hiện từ ngày 3/5 đến khi có văn bản chỉ đạo mới.

"Các hoạt động tập trung đông người không cần thiết" gồm: các lễ hội (ngoại trừ lễ hội đặc biệt phải có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mới được phép tổ chức), chợ đêm, một số dịch vụ như quán bar, karaoke, game.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các nơi công cộng; thực hiện việc xử phạt các trường hợp vi phạm.

Trước đó, Bạc Liêu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra khỏi địa bàn tỉnh trong những ngày lễ, trường hợp ra ngoài tỉnh phải báo cáo.

Thừa Thiên Huế cũng đã ra thông báo dừng các dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, game trên địa bàn từ 12h trưa 3/5. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tập trung đông người không cần thiết cũng được yêu cầu dừng lại để phòng dịch.

Đồng thời tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân... trên địa bàn đã đi công tác, du lịch, thăm thân... tại các tỉnh thành khác trở về địa phương sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Sở Du lịch, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo số lượng du khách, công dân từ các tỉnh/thành phố khác đến địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Công an và các lãnh đạo địa phương được yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người không chấp hành nghiêm túc quy định phòng dịch của tỉnh, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang theo quy định, khai báo y tế không trung thực...

Bình Thuận: Từ 0 giờ ngày 3/5 tạm dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết và có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19 như quán bar, karaoke, massage, vũ trường, game...; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, hội chợ, chợ đêm…); trong trường hợp có tổ chức thì phải bảo đảm an toàn, phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng…

Bà Rịa-Vũng Tàu: Từ 16 giờ chiều 1/5, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản tạm ngưng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, vũ trường, quán bar, beer club cho đến khi có thông báo mới.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu hạn chế việc tập trung đông người, giảm quy mô tổ chức các buổi tiệc, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong việc cưới, việc tang, các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng, giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo của ngành y tế.

Khánh Hòa: Tạm dừng hoạt động tại quán bar, vũ trường, karaoke từ 18 giờ ngày 2/5. Đây là quyết định được đưa ra sau cuộc họp đột xuất ngày 2/5 của UBND tỉnh Khánh Hòa với các cơ quan hữu quan của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên: Các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, xông hơi, điểm truy cập internet và trò chơi điện tử, chợ đêm Tuy Hòa tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 5/5 cho đến khi có thông báo mới.

UBND TP. Tuy Hòa cũng giao các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra việc chấp hành quy định tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thực sự cần thiết nêu trên, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Đà Nẵng: Từ 0 giờ ngày 3/5 cho đến khi có thông báo mới tạm dừng hoạt động một số dịch vụ: quán bar, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, khu phố đi bộ, chợ đêm để phòng, chống dịch Covid-19.

Quảng Ngãi: Dừng các hoạt động không thiết yếu như karaoke, vũ trường, massage… từ 4/5 để phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo người dân đi chơi trong dịp lễ 30/4 và 1/5 từ các tỉnh khác trở về phải thực hiện khai báo y tế. Đối với các trường hợp đi về từ vùng có dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế.

Thái Nguyên: Từ ngày 3/5, tạm dừng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ, gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, quán phục vụ đồ uống vỉa hè, trò chơi điện tử, khu vui chơi giải trí, xông hơi, massage.

Các nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác phải bảo đảm giãn cách, trang bị tấm chắn giọt bắn, quản lý danh sách khách hàng và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch; cơ sở nào không bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch theo yêu cầu thì tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Thực hiện nếp sống văn minh trong các đám cưới, hỏi và đám hiếu, chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, hạn chế tối đa số người tham dự và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc đeo khẩu khẩu trang, giữ khoảng cách ở nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch theo quy định.

Nam Định: Từ ngày 1/5 sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao tập trung đông người; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet công cộng. Đồng thời cũng tạm dừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng trên địa bàn tỉnh... cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.

Để chủ động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã ban hành Công điện yêu cầu, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hạn chế các cuộc họp khi không thực sự cần thiết; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tham dự các sự kiện tập đông người và đi ra ngoại tỉnh.

Hải Phòng: Từ 0 giờ ngày 1/5 dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quán bar, game, Internet. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Yêu cầu Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và các cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và lây nhiễm ra cộng đồng.

Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và tại các thành phố khác trở về địa phương; yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày; nếu có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, tức ngực, khó thở, phải kịp thời báo ngay cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi, các bến xe, nhà ga, bến tàu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch (đặc biệt là đeo khẩu trang, dãn cách 1m, sát khuẩn tay); kiên quyết không phục vụ các hành khách không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Ninh Bình: Tạm dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi massage, rạp chiếu phim, game online, trò chơi điện tử. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 3/5 đến khi có thông báo mới. Tỉnh cũng yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội, hoạt động văn hóa, hội thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; vận động, đề nghị người dân tổ chức việc hiếu, việc hỉ gọn nhẹ, đảm bảo các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nam đã có công văn cho học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường từ ngày 3/5 đến hết ngày 9/5 để phòng, chống dịch. Trong thời gian học sinh không đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam yêu cầu các trường tổ chức dạy học trực tuyến (học online) dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo để đảm bảo kế hoạch dạy và học của ngành. Đến hết ngày 9/5, Sở sẽ căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để có kế hoạch tiếp theo.

Vĩnh Phúc:  Ngày 2/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị với UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Vĩnh Phúc cho phép học sinh toàn tỉnh được tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới (dự kiến đến hết ngày 16/5), bao gồm: học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.