Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhiều địa bàn ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngập úng do mưa lớn

An Yên - 11:43, 27/09/2023

Mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã khiến một số địa bàn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị ngập úng. Công tác ứng phó, hỗ trợ cứu nạn với người dân vùng bị ảnh hưởng được chính quyền triển khai gấp rút.

Mưa lớn gây ngập cục bộ ở Hương Khê - Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập cục bộ ở Hương Khê - Hà Tĩnh

Đường ngập, người dân phải di dời

Những ngày qua, triều cường dâng cao tại các huyện ven biển Nghệ An. Trước tình hình ấy, để đảm bảo an toàn, ngư dân ven biển Diễn Châu (Nghệ An) đã di dời bè mảng, ngư cụ lên cao.

Ông Nguyễn Vân Nam- một ngư dân ở xã Diễn Kim cho hay: Ngay từ chiều 25/9, chúng tôi đã kéo bè mảng cách bờ biển 10-12m, nhưng sóng biển dữ, triều dâng nên hôm nay chúng tôi phải huy động lực lượng để tiếp tục kéo bè mảng và các ngư cụ lên bờ, cách xa 20-30 mét đảm bảo an toàn.

Bè mảng là phương tiện mưu sinh thô sơ của ngư dân, được kết lại bởi 10 cây cây tre giao lóng, rồi chẻ đôi nẹp cùng các vật liệu nổi khác như xốp, gỗ... phía sau đặt máy nổ. Sức vươn của bè mảng tầm 1 – 1,5 hải lí.

Người dân Diễn Châu - Nghệ An, kéo bè mảng và ngư cụ lên bờ tránh triều cường
Người dân Diễn Châu - Nghệ An, kéo bè mảng và ngư cụ lên bờ tránh triều cường

Ông Nguyễn Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Diễn Châu cho biết thêm: Địa bàn huyện Diễn Châu hiện có trên 350 bè mảng chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thành, Diễn Hùng. Đây là nghề truyền thống của bà con ven biển bãi ngang, chủ yếu đánh sứa, ruốc, cá cơm. Vào mùa mưa bão, huyện thường xuyên chỉ đạo các xã có bè mảng khuyến cáo ngư dân nắm thông tin thời tiết, tuyệt đối không đi bè mảng vào mùa mưa bão.

Tại một số xã ven sông như Khánh Thành, Long Thành (Yên Thành), vùng Bích Hào, xã Ngọc Lâm, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), Châu Hạnh (Quỳ Châu)… đã có ngập úng cục bộ. Trung tá Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ngọc Lâm, Thanh Chương xác nhận: Nhiều vị trí tràn trên các tuyến đường dân sinh của xã đã bị ngập, lực lượng đã phối hợp với địa phương, cắm biển cảnh báo người dân không nên giao thông để đảm bảo an toàn. Cũng bởi không thể đi lại nên nhiều học sinh đã phải nghỉ học.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cũng đã khiến nhiều vùng bị ngập úng gây cô lập cục bộ. Ngay tại “rốn lũ” Hương Khê, mưa lớn đã khiến nhiều hộ dân ở xã Hương Lâm phải di dời để tránh nguy cơ sạt lở.

Một số tuyến đường ở huyện Thanh Chương - Nghệ An, bị chia cắt do mưa lũ
Một số tuyến đường ở huyện Thanh Chương - Nghệ An, bị chia cắt do mưa lũ

Ông Nguyễn Thế Hùng,  Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm (Hương Khê) thông tin: Qua rà soát, có 20 hộ trên địa bàn xã thuộc diện cần di dời, sơ tán. Hiện, các hộ dân đã được các lực lượng đã phối hợp di dời đến nơi ở mới đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TCCN huyện Hương Khê, toàn huyện có 10 cầu dân sinh và một số tuyến đường giao thông ở các xã Hương Đô, Hương Trạch, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Phúc Trạch, Hương Bình bị ngập trong nước lũ, gây ách tắc giao thông cục bộ; nhiều đoạn hai bên bờ sông Ngàn Sâu, sông Tiêm thuộc địa phận các xã Hương Liên, Hương Đô, Hà Linh, Gia Phố, Hương Xuân bị sạt lở đất, đá, cây cối. Từ sáng 26/9, có 4.317 học sinh phải nghỉ học do mưa lũ, trong đó khối mầm non 2.458 em, tiểu học 842 em và trung học cơ sở 1.018 em.

Trước tình hình mưa lớn còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tại các địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh, đã liên tục phát công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó với mưa lũ khi có yêu cầu. Tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo, hướng dẫn, cắm biển báo và có các biện pháp cảnh báo giao thông đi lại cho Nhân dân, nhất là các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối. 

Tổ chức trực ban nghiêm túc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên cập nhật tình hình ảnh hưởng của thiên tai và công tác ứng phó báo cáo cho UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố thì cần phải huy động nhân lực, vật lực ứng cứu theo “4 tại chỗ” trước mắt để đảm bảo an toàn.

Một hộ dân ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngập và được sơ tán đến nơi an toàn
Một hộ dân ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngập và được sơ tán đến nơi an toàn

Hàng loạt thủy điện xả lũ

Trước tình hình thượng nguồn có mưa lớn, lượng nước đổ về nhanh, nhiều nhà máy Thủy điện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phát thông báo xả tràn. Ngay tại thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã tiến hành xả tràn. Lưu lượng nước qua tràn lúc 16h ngày 26/9 là 1.380 m3/giây.

Trước tình hình thượng nguồn có mưa lớn, cùng với sự chỉ đạo của huyện Hương Khê, Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn đã bắt đầu xả tràn, điều tiết nước qua tràn tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô từ lúc 15h giờ ngày 25/9, với lưu lượng 26 m3/giây. Tới 2h ngày 26/9, lưu lượng xả được tăng lên 1.342 m3/giây.

Thủy điện Chi Khê, Nghệ An xả lũ
Thủy điện Chi Khê, Nghệ An xả lũ

Vào 22h 17 phút tối 26/9, Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Quang đã phát thông báo xả lũ bắt đầu từ 2 giờ 30 phút, ngày 27 tháng 9 năm 2023, với tổng lưu lượng xả từ 20m3/s đến 90m3/s (Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện các tổ máy) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng nước đến hồ.

Tiếp đó, lúc 22h 30 phút tối 26/9, Công ty cổ phần Thuỷ điện Quế Phong vận hành xả hồ chứa thủy điện Bản Cốc tiến hành xả lũ. Tổng lưu lượng xả từ 11,16m3/s - 150m3/s (Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy) cho đến khi hết đợt mưa lũ.

Thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh xả lũ
Thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh xả lũ

Cùng thời điểm này, các nhà máy thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang… cũng có thông báo vận hành điều tiết hồ chứa trong ngày 26, 27/9.

Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, các nhà máy thủy điện đã có thông báo cụ thể giờ xả lũ, lượng nước xả lũ… để bà con và chính quyền các địa phương biết nhằm đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.