Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận thức sâu sắc, tầm nhìn dài hạn, dành nguồn lực tương xứng cho văn hóa, xã hội

PV - 14:15, 14/09/2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội thời gian qua.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua - Ảnh: VGP/Đình Nam
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong cuộc làm việc sáng 14/9, báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đến nay địa phương cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh

Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa Bùi Xuân Minh cho biết tại Khánh Hòa, tỉ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt 92,36%, mũi 2 đạt 45,49%; trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine, trong đó mũi 1 đạt 105,44%, mũi 2 đạt 101,67%; mũi 3 đã đạt 49,3% tại thời điểm tiêm so với số trẻ được thống kê trên địa bàn; tỉ lệ người lớn thuộc đối tượng tiêm mũi 4 đạt 84,19%.

Việc cung ứng thuốc đã cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện nay tình hình sốt xuất huyết đang tăng cao, nhu cầu về dung dịch cao phân tử tăng, các đơn vị đang chủ động điều chuyển thuốc với nhau và đề nghị công ty nhanh chóng cung ứng thuốc.

Vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm còn thiếu cục bộ ở một vài thời điểm do không lựa chọn được nhà thầu (không có nhà thầu tham dự, giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch…) nhưng các đơn vị đã chủ động mua sắm và tiến hành mua nhiều đợt, hiện nay cơ bản vẫn đảm bảo cho nhu cầu sử dụng.

Các bệnh viện cơ bản đảm bảo trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân và công tác điều trị COVID-19. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã được dự kiến đầu tư, mua sắm theo kế hoạch trong các dự án đầu tư công.

Hiện, các cơ sở y tế ở Khánh Hòa gặp khó khăn trong thực hiện hồ sơ-bệnh án điện tử do hạ tầng công nghệ yếu, nhiều phần mềm y tế điều trị trong khi chưa có chuẩn dữ liệu đầu ra do Bộ Y tế quy định.

Khánh Hòa đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương hợp tác chuyên sâu về chuyên môn với các bệnh viện hàng đầu của tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Võ Hoàn Hải cho biết một số trường học trên địa bàn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị giáo dục tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tổ chức dạy môn học tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên dạy (một môn học phải bố trí nhiều giáo viên đơn môn dạy).

Sở GD&ĐT Khánh Hòa kiến nghị thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế trong ngành giáo dục cần bảo đảm nguyên tắc "Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên".

Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cũng kiến nghị các bộ, ngành có các văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tổ chức dạy và học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT song hành với đào tạo trình độ trung cấp.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, người học được học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở cho Khánh Hòa những cách làm, mô hình thí điểm trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở cho Khánh Hòa những cách làm, mô hình thí điểm trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/Đình Nam

Chuyển đổi số phải "giải" những "bài toán" cụ thể

Về thực hiện chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa nhìn nhận các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, nhất là hạ tầng kỹ thuật, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số còn thiếu, khả năng tiếp cận công nghệ mới trong quản lý, tham mưu và triển khai còn hạn chế.

Việc tiếp cận công nghệ, nhu cầu chuyển đổi trạng thái, hình thức, môi trường lao động, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trong nhân dân và trong doanh nghiệp của tỉnh chưa cao.

"Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cùng với các sở, ngành phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đặt ra các bài toán cụ thể trong ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính phục vụ hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn", Phó Thủ tướng nói.

Xây dựng Khánh Hòa thành nơi đáng sống

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa Nguyễn Văn Thiện cho biết tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án tu bổ di tích bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn vận động xã hội hóa do chưa có sự thống nhất về thẩm quyền thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích; chưa có hướng dẫn về quy trình thủ tục triển khai các bước đối với nguồn vận động xã hội hóa.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực khoa giáo, văn xã thời gian qua, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Đồng tình với quan điểm, định hướng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong phát triển khoa giáo, văn xã, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Khánh Hòa để tháo gỡ những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cụ thể, hướng tới xây dựng Khánh Hòa thành nơi đáng sống như tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đại diện một số bộ ngành - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đại diện một số bộ ngành - Ảnh: VGP/Đình Nam

Dành nguồn lực tương xứng cho văn hóa, xã hội

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cách làm mạnh dạn, sáng tạo, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa trong phòng, chống dịch COVID-19, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Từ đó, Khánh Hòa đã góp phần cùng cả nước chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Về định hướng phát triển văn hóa, xã hội tại địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "đây là lĩnh vực rất khó khăn, trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế".

Theo Phó Thủ tướng, không như làm một cây cầu, một đoạn đường cao tốc hay xây một tòa cao ốc, sau một số năm là thấy ngay thành quả, còn văn hóa, xã hội có những việc dù rất nhỏ nhưng cũng phải nhiều năm, nhiều chục năm mới có kết quả.

Ngược lại có những vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, một quyết định sai thì thấy ngay hậu quả và trách nhiệm tập thể hay cá nhân lãnh đạo, nhưng nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội thì dù không chú ý, chưa làm tròn trách nhiệm thì cũng phải nhiều năm sau mới bộc lộ ra và để khắc phục được cũng mất rất nhiều thời gian.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, dường như ai cũng cảm thấy mình biết nên nhiều khi ý kiến của các chuyên gia, của những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm lại không được tôn trọng, trọng dụng, dần dần bị mai một và dẫn đến bị hụt hẫng lực lượng.

Sự không chú ý đúng mực về văn hóa còn thể hiện ở lượng thời gian mà lãnh đạo dành cho công tác này, ở nguồn lực phân bổ cho văn hóa, phân công cán bộ làm văn hóa.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các sở ngành, người dân cần có nhận thức rất sâu sắc, thậm chí là sự thôi thúc để có tầm nhìn dài hạn, dành sự quan tâm, chỉ đạo, dành nguồn lực tương xứng đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Nghiên cứu những cách làm sáng tạo, đột phá

Phó Thủ tướng cũng dành thời gian làm rõ, gợi mở thêm một số vấn đề cụ thể được nêu trong cuộc họp như việc tinh giản biên chế giáo viên, phát triển hệ thống y tế cơ sở, phát triển du lịch, khoa học...

Trao đổi về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các gói dịch vụ cho y tế cơ sở (dự phòng, điều trị các bệnh ở cấp cơ sở, kiểm tra sức khoẻ định kỳ). Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.

"Sở Y tế phải tham mưu để mọi người dân đều được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, phát hiện sàng lọc sớm ngay từ lúc chưa ốm, chưa phát bệnh, từ đó sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch có thương hiệu về lễ hội đường phố, hoạt động văn hóa nghệ thuật - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch có thương hiệu về lễ hội đường phố, hoạt động văn hóa nghệ thuật - Ảnh: VGP/Đình Nam

Về giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Sở GD&ĐT Khánh Hòa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nắm sát mọi nguồn lực từ trường, lớp, giáo viên đến cơ sở vật chất (bàn ghế, đồ dùng học tập, sách giáo khoa).... Tương tự, các sở, ngành khác cũng phải giúp lãnh đạo tỉnh nắm được nguồn lực của từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở cho Khánh Hòa những cách làm, mô hình thí điểm trong lĩnh vực giáo dục như cho phép một số trường công lập được tự chủ, thu học phí cao hơn đối với bộ phận dân cư đủ khả năng chi trả, để đủ trả lương cho giáo viên, dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những nơi còn khó khăn; nghiên cứu phương án đầu tư, hỗ trợ để khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, vận hành các cơ sở giáo dục; đồng thời phải duy trì tỉ lệ trường công lập, tư thục có sự hỗ trợ ngân sách, điều tiết học phí để bảo đảm nhu cầu học tập của các em học sinh khác.

Về du lịch, Phó Thủ tướng mong muốn Khánh Hòa đẩy mạnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu sô, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; nghiên cứu các mô hình làm các lễ hội đường phố, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên tục để thu hút, hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế, từ đó, trở thành trung tâm du lịch có thương hiệu riêng.

Phó Thủ tướng cũng "đặt hàng" Khánh Hòa huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu hải dương; thành lập một số trung tâm công nghệ cao về công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.