Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhân sự giới thiệu ra Đại hội XIII đủ điều kiện, có năng lực, uy tín và triển vọng phát triển

PV - 15:25, 27/01/2021

Bên lề Đại hội XIII của Đảng, sáng 27/1, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị một cách nghiêm túc.


Nhân sự giới thiệu ra Đại hội XIII đủ điều kiện, có năng lực, uy tín và triển vọng phát triển

Công tác chuẩn bị nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ

Ông có thể thông tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, nhất là chuẩn bị lãnh đạo chủ chốt?

Công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị một cách nghiêm túc. Trong suốt nhiệm kỳ khóa XII, xác định công tác xây dựng Đảng là rất quan trọng - nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác nhân sự là then chốt của then chốt, chính vì vậy Ban Chấp hành Trung ương luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, vào tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII, trong đó có Tiểu ban Nhân sự.

Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương (tháng 12/2018) đã tiến hành công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đến Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ban hành phương hướng công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII. Bám sát phương hướng công tác nhân sự, với sự giới thiệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là cơ sở hết sức quan trọng trong việc lựa chọn, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp các đồng chí dự kiến sẽ đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Sau khi có phương hướng công tác nhân sự khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất nhiều lần và tiến hành công tác nhân sự từng bước hết sức thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình ở các Hội nghị 13, 14, 15. Có thể nói, công tác chuẩn bị nhân sự của khóa XIII đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Các đồng chí trong Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu ra Đại hội XIII cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển.

Công tác nhân sự của chúng ta được kế thừa kinh nghiệm của các Đại hội trước và căn cứ vào tình hình thực tiễn, những trường hợp đặc biệt đã được Ban Chấp hành Trung ương bàn hết sức kỹ lưỡng, chủ yếu là đặc biệt về độ tuổi, còn lại đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có sức khỏe, cũng như năng lực công tác, có uy tín ở từng đơn vị công tác của mình. Với yêu cầu thực tế của đất nước, cần phải có những đồng chí tiếp tục tham gia bằng những kinh nghiệm và uy tín của mình, cho nên Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất lựa chọn để giới thiệu ra Đại hội, nếu được Đại hội tín nhiệm bầu, sẽ có được những đồng chí có nhiều kinh nghiệm, nhiều đóng góp cho đất nước.

Lâu nay, Đảng nhìn nhận, công tác cán bộ vẫn còn yếu. Trong công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ này, chúng ta đã khắc phục được điều này chưa?

Chúng tôi cho rằng, kỳ Đại hội nào công tác nhân sự cũng được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và chặt chẽ. Riêng nhiệm kỳ XII, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, những mặt chưa được trong công tác nhân sự của những Đại hội trước, Đại hội XII và trong nhiệm kỳ khóa XII đã có rất nhiều giải pháp để khắc phục. Trước hết, để xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, trong nhiệm kỳ Đại hội đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về chế độ, trách nhiệm, công tác giám sát và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Thông qua kinh nghiệm công tác ở từng vị trí và ở các địa phương, đã lựa chọn ra đội ngũ cán bộ với quy trình hết sức bài bản.

Điểm thứ hai là Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành các quy trình mới, có điều chỉnh, bổ sung quy trình nhận xét, đánh giá đội ngũ cán bộ hằng năm và lấy phiếu tín nhiệm hàng năm ở từng vị trí công tác khác nhau. Những đồng chí công tác ở các cơ quan bầu cử và cơ quan của Đảng đều được lấy phiếu tín nhiệm định kỳ, đây cũng là một kênh để đánh giá đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, lần này có quy trình 5 bước. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tái cử, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tham gia lần đầu đều thực hiện một quy trình 5 bước rất chặt chẽ. Thông qua quy trình này, đã sàng lọc và lựa chọn được những đồng chí đủ tiêu chuẩn, đảm bảo về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, cũng như sở trường, triển vọng phát triển. Lần này, chúng ta làm công tác nhân sự hết sức chặt chẽ và thận trọng từng bước, xong bước này mới đến bước khác.

Vậy đối với những trường hợp đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị tái cử để nắm giữ chức vụ chủ chốt, quy trình được thực hiện như thế nào?

Với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, quy trình giới thiệu công tác cán bộ cũng được thực hiện hết sức chặt chẽ. Quy trình của các Ủy viên Trung ương Đảng là thực hiện quy trình 5 bước. Còn các đồng chí thuộc trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện theo quy trình 2 vòng, 8 bước. Như vậy, quy trình hết sức chặt và rất rộng. Tương tự, với các đồng chí Ủy viên Trung ương thuộc trường hợp đặc biệt cũng thực hiện theo quy trình này, không thực hiện quy trình 5 bước kia.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Nói như ông thì có nghĩa là quy trình cán bộ của chúng ta rất chặt chẽ và không có chuyện như trên mạng xã hội nêu, đó là cán bộ tham gia vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư không đảm bảo tính vùng miền hay là vì cơ cấu, tiêu chuẩn?

Chúng tôi cho rằng, lấy tiêu chuẩn là quan trọng, tất nhiên là cơ cấu cũng phải được tính toán một cách hợp lý, nhưng chúng ta lấy tiêu chuẩn là chủ yếu, như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng phát biểu, không phải vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là chủ yếu, từ đó lựa chọn những đồng chí xứng đáng, những đồng chí đủ điều kiện. Còn nếu đạt được những cơ cấu, yếu tố vùng, miền hoặc lĩnh vực, ngành, tất nhiên là cũng có quan tâm. Ví dụ như tiêu chuẩn cơ cấu 3 độ tuổi trong Trung ương là đảm bảo yêu cầu, rồi cơ cấu các đồng chí đại biểu là các nhà trí thức, nhà khoa học, đại diện cho tuổi trẻ, nữ... dứt khoát phải đảm bảo được tỷ lệ đó.

Hội nghị Trung ương 15 xác định là sẽ tăng cường Ủy viên Trung ương Đảng về những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, vậy ông có thể cho biết những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu có thể bổ sung Ủy viên Trung ương? Số lượng bổ sung bao nhiêu người?

Quan điểm của Đảng ta là tất cả các lĩnh vực, địa bàn cố gắng có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, để Đảng phân công phụ trách. Các lĩnh vực quan trọng và trọng yếu được xác định là: đối ngoại, an ninh, quân đội, các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, số lượng cho từng khu vực này cũng phải hợp lý chứ không phải vì quan trọng mà tăng số lượng, hay không quan trọng mà giảm đi. Bởi vì, tất cả địa bàn đều rất quan trọng, nhưng quan điểm là chúng ta bố trí những lĩnh vực đó có thể có số lượng Ủy viên Trung ương cao hơn.

Ví dụ như với quân đội, ở tất cả các quân khu đều có đại diện là Ủy viên Trung ương, hay bên đối ngoại, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, cần phải có những đồng chí đại diện cho Đảng để tham gia vào những lĩnh vực đó. Đại hội lần thứ XII, cũng như chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII đều quán triệt quan điểm này. Các Ủy viên Trung ương Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII giới thiệu ra Đại hội XIII đều đã tính đến những yếu tố đó và có danh sách ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.

3 ngày dành cho thảo luận về công tác nhân sự

Ông có thể thông tin thêm về lịch trình xem xét công tác nhân sự tại Đại hội?

Theo chương trình, Đại hội sẽ tiến hành bàn công tác nhân sự bắt đầu vào chiều 28/1. Đoàn Chủ tịch sẽ báo cáo với Trung ương về dự kiến cơ cấu đề án, trên cơ sở đó, các đoàn thảo luận tại đoàn và xem xét hồ sơ. Tiểu ban và Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ của cá nhân từng ứng viên để các đoàn đại biểu có đủ thời gian xem xét một cách kỹ lưỡng từng đồng chí. Trên cơ sở đó, các đoàn mới thảo luận về cơ cấu, số lượng, thành phần và xem xét hồ sơ từng đồng chí ứng viên, các đại biểu lựa chọn theo đề án nhân sự đã được trình ra.

Thời gian dành cho thảo luận về công tác nhân sự là 3 ngày, đủ để các đại biểu có thể nghiên cứu một cách đầy đủ nhất về hồ sơ của từng ứng viên và nghiên cứu kỹ nhất về đề án nhân sự để lựa chọn chính xác.

Khi nào Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII?

Sau ba ngày thảo luận, sáng Chủ nhật, 31/1, Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và buổi chiều sẽ công bố kết quả. Ngày thứ Hai, mùng 1/2, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần thứ nhất sẽ họp phiên thứ nhất để bầu các chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng.

Thưa ông, hồ sơ nhân sự do Trung ương chuẩn bị. Nhưng ngoài ra, các đại biểu khi tiếp cận hồ sơ nhân sự đó có được tìm hiểu thêm, chuẩn bị trước đó để cân nhắc, đánh giá cho khách quan hay không?

Trong bộ hồ sơ nhân sự theo quy định của Đảng đã đầy đủ tất cả các yếu tố, từ lý lịch trích ngang đến quá trình công tác, kê khai tài sản và các cơ quan có thẩm quyền xác nhận tất cả những nội dung đó. Các đại biểu có thể hỏi thêm và trong quá trình thảo luận tại đoàn, nếu các đại biểu có những ý kiến gì về ứng viên cụ thể nào đó, thì các đoàn sẽ tổng hợp để phản ánh với Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch sẽ có trách nhiệm giải trình và báo cáo với Đại hội hoặc đại biểu đó.

Các vấn đề có liên quan đến khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết

Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn như vậy, liệu nếu vấn đề đại biểu nắm được thông tin về ứng viên nào đấy mà nêu ra thì Đoàn Chủ tịch có kịp để giải trình?

Đoàn Chủ tịch và công tác chuẩn bị Đại hội đã có phương án xử lý. Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị kỹ lưỡng những nội dung đó và chúng tôi tin tưởng rằng, nếu các đại biểu có ý kiến như vậy, Tiểu ban Nhân sự và Đoàn Chủ tịch sẽ giải quyết được vấn đề.

Thời gian này còn có thể có chuyện tố cáo không và nếu có thì sẽ được xem xét giải quyết thế nào?

Theo quy định của Điều lệ Đảng, thời gian tố cáo và gửi đơn kiến nghị đối với các đại biểu, các ứng cử viên của Ban Chấp hành Trung ương là được phép và trước Đại hội 15 ngày. Như vậy, trong thời gian diễn ra Đại hội này mà có đơn tố cáo, kiến nghị, vẫn tiếp nhận bình thường nhưng sau Đại hội sẽ xem xét. Đấy là theo quy định mà từ trước đến nay chúng ta vẫn đang thực hiện.

Như vậy có thể hiểu là những đơn tố cáo trước Đại hội 15 ngày là đã được giải quyết, đã được đánh giá hết?

Hôm qua trong phiên khai mạc Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã có báo cáo trước Đại hội về tư cách của các đại biểu dự Đại hội, trong đó có những đồng chí là ứng viên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã đủ điều kiện để dự Đại hội.

Đại biểu chính thức có đầy đủ quyền được ứng cử, đề cử. Cho nên, tất cả các đại biểu hiện nay đang hội đủ tư cách dự Đại hội, đồng nghĩa với việc các vấn đề có liên quan đến khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết.

Xin ông cho biết cơ chế đề cử thêm ứng viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới tại Đại hội?

Kỳ Đại hội nào cũng vậy. Các đại biểu chính thức dự Đại hội đều được quyền đề cử hoặc tự ứng cử trên cơ sở đề án nhân sự. Khi đề án được trình bày ra, các đại biểu được quyền đề cử người khác hoặc bản thân mình ứng cử. Khi đề cử, đại biểu phải có đầy đủ hồ sơ ứng viên, đảm bảo việc đề cử là chính xác và gửi tới đoàn đại biểu của mình. Đoàn đại biểu sẽ có trách nhiệm báo cáo việc đề cử/ứng cử với Đoàn Chủ tịch Đại hội. Sau đó, Đoàn Chủ tịch sẽ xem xét và báo cáo ra Đại hội.

Thưa ông, đại biểu có thể đề cử bất cứ đảng viên nào. Cho đến bây giờ, Bộ Chính trị, Trung ương hay Tiểu ban Nhân sự đã có hướng dẫn nào tới toàn Đảng để chuẩn bị hồ sơ ứng viên theo quy định?

Bản thân tôi cũng là Ủy viên Trung ương khóa XII và là Bí thư Đảng ủy một cơ quan ở Trung ương, việc hướng dẫn ứng cử/đề cử cho các đại biểu dự Đại hội, đảng viên đã được làm rất sớm, từ khoảng 2 tháng trước Đại hội. Ban Tổ chức Trung ương được ủy quyền của Tiểu ban Nhân sự có văn bản gửi đến tất cả các tổ chức đảng, các cơ quan và phổ biến đến chi bộ, đảng viên. Trong văn bản hướng dẫn có chỉ rõ, nếu đảng viên ứng cử thì cần phải làm hồ sơ như thế nào.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.