Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhân lực, Chính sách và nguồn lực thực hiện chính sách: Ba yếu tố căn cơ để phát triển vùng DTTS, miền núi

PV - 22:15, 30/05/2019

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế –xã hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Cao Thị Xuân đã có bài phát biểu đánh giá, phân tích về tình hình công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, từ đó, kiến nghị nhiều giải pháp căn cơ nhằm phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi thời gian tới. Báo Dân tộc và Phát triển trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội với tất cả 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra cho năm 2018, chúng ta thấy được bức tranh tổng quan rất khả quan của nền kinh tế. Trong đó, ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Tôi nghĩ rằng, các đại biểu Quốc hội và cử tri đều mong muốn đất nước ta giữ được nhịp tăng trưởng cao trong nhiều năm nữa để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại. Nhưng nói bức tranh tươi sáng là nhìn một cách tổng quan và các chỉ số tổng quát, còn nếu nhìn nhận, đánh giá chi tiết hơn thì trên bức tranh còn những khoảng màu xám và  những gam màu tối, cần quyết tâm cao, giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Nếu chúng ta có thể lượng hóa các chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, thì chúng ta hoàn toàn có thể đo đếm được những vấn đề xã hội bức xúc đang tồn tại đã được nhiều đại biểu, cử tri tập trung đề cập trong suốt thời gian qua như tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia; các vụ án giết người man rợ; những lo lắng, bức xúc trong môi trường học đường với các vụ gian lận thi cử và bạo lực.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân. Ảnh: TTXVN Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân. Ảnh: TTXVN

Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, đặc biệt đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế với các đánh giá khách quan giải pháp và kiến nghị cụ thể. Tôi chỉ xin đề cập một số vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc miền núi hiện nay vẫn đang còn nhiều thách thức, khó khăn. Nếu không có giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thì khó có thể thu hẹp được khoảng cách giữ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với phần còn lại của đất nước. Tôi xin nêu một số nội dung cụ thể như sau:

Kính thưa Quốc hội, khi chúng ta ngồi đây nói về cuộc cách mạng 4.0 với những ứng dụng, tiện ích cho đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Khi chúng ta phát động và luôn nói đến phong trào khởi nghiệp tai các đô thị và các vùng đất trù phú khác thì cả nước hiện nay còn trên 1400 thôn, bản chưa có điện, tập trung chủ yếu ở các vùng đặc biệt khó khăn. Ở đó, người dân vẫn còn đứng bên lề cuộc thảo luận sôi động tăng giá điện. Người dân vùng dân tộc thiểu số khi nào có thể tiếp cận đến cuộc cách mạng kỹ thuật đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao khi trình độ dân trí vẫn còn khoảng cách xa với phần còn lại. Tỷ lệ biết đọc biết viết của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học trung học cơ sở chưa đến 84% và số đi học trung học phổ thông chỉ đạt 41,8%.

Mặc dù Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú nhưng cả nước chỉ có 314 trường này. Hệ thống trường dự bị đại học chỉ có 4 trường và 7 khoa dự bị đại học với quy mô tiếp nhận gần 4.000 học sinh mỗi năm. Cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú xuống cấp, chậm được bố trí kinh phí đầu tư mới. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú của giai đoạn 2011 - 2015 đề ra mục tiêu sẽ xây mới 48 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 22 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Nhưng kết thúc giai đoạn thực hiện đề án mới chỉ hoàn thành 20 trường, 19 trường đang xây dựng dở dang còn lại còn chưa được đầu tư. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề này.

Đối với phân luồng giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, nếu đọc các số liệu về đào tạo nghề vẫn được địa phương cập nhật thường thấy những tỷ lệ đẹp nhưng thực tế lao động nông dân, dân tộc thiểu số được đào tạo chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kèm cặp kiến thức dưới 3 tháng. Nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhưng không ít trong số đó là đào tạo qua loa, lý thuyết không gắn với thực hành, đào tạo không đi liền với sử dụng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi đạt trình độ trung cấp chỉ là 2,5%, cao đẳng trở lên là 2,9%, đây là điểm đáng suy nghĩ.

Nếu tính trung bình những năm gần đây ở vùng dân tộc thiểu số mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó có khoảng 130.000 học sinh người dân tộc thiểu số. Phần lớn các em lại trở về bơ vơ giữa bản làng với công việc lao động chân tay đơn thuần, đối diện với nguy cơ nghèo đói và tệ nạn xã hội rình rập. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của vùng dân tộc thiểu số có cơ hội được đào tạo nghề.

Kính thưa Quốc hội!

Trong thời gian này, Trung ương cũng đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 liên quan chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Là những người hoạt động trong lĩnh vực này chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải coi đây là dịp đặc biệt để đánh giá lại tính hiệu quả của các chương trình mục tiêu, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số thời gian qua. Cá nhân tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, tập trung tối đa cho công tác cán bộ từ cơ sở trở lên gắn với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới, mọi việc thành bại là do cán bộ. Thực tế cho thấy, cũng chính sách đó nhưng ở đâu có cán bộ có năng lực, có tâm huyết thì ở đó tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Báo Tuổi trẻ nêu trường hợp ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Mông, trước kia rất khó khăn, tình hình xã hội phức tạp, nhưng kể từ khi huyện phân công một đồng chí cán bộ trẻ có năng lực về làm Bí thư thì sau 5 năm kinh tế - xã hội chuyển biến rõ nét, sự lăn lộn của đồng chí Bí thư trẻ này trong việc hướng dẫn vận động đồng bào thực hiện lối sống hợp vệ sinh, trồng phong lan để bán làm du lịch, dùng facebook cá nhân và bạn bè để quảng bá hình ảnh quê hương. Năm 2018,  những bản Mông trên lưng chừng núi cao 1.700 m của xã Khun Há đã đón tới 8.000 lượt khách du lịch. Đây là một ví dụ sinh động về vai trò của người đứng đầu trong việc làm thay đổi tình hình kinh tế - xã hội.

Thứ hai, qua đợt tổng kết Trung ương lần này, tôi đề nghị rà soát xem xét lại toàn bộ hệ thống chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thống kê vừa qua cho thấy, hiện đang có tới 118 chính sách, xảy ra hiện tượng chồng chéo, trùng lắp, không đạt được mục tiêu đề ra, chi phí cho bộ máy thực hiện chính sách quá tốn kém. Thực trạng này đòi hỏi nhất thiết phải tích hợp chính sách lại và gắn ban hành chính sách với nguồn lực thực hiện, đưa lại niềm tin cho người dân. Để công tác giảm nghèo đa chiều hiệu quả, bền vững, tôi đề nghị tới đây thiết kế chính sách phải đặt trọng tâm vào giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Nếu chúng ta thay đổi được tư duy, nâng cao dân trí thì tập trung đầu tư cho một thế hệ sẽ góp phần thay đổi căn bản tình hình, thay đổi cả cuộc đời, số phận của người dân thay vì cứ đến mùa lại cứu đói.

Thứ ba, có chính sách vận động nguồn lực toàn xã hội và sự quan tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đối với sự nghiệp phát triển vùng dân tộc miền núi. Thời gian qua xuất phát từ tinh thần thiện nguyện, rất nhiều các nhóm, các tổ chức xã hội trên cả nước đã góp của, góp công với nguồn lực tương đối lớn dành cho miền núi, những điểm trường học được xây với những xe chở đầy lương thực, thực phẩm và sách vở từ miền xuôi thành phố đến với đồng bào ngày càng nhiều, làm ấm lòng dân bản. Nhưng đó chủ yếu là các đợt quyên góp tự phát, thiếu hướng dẫn hỗ trợ, thiếu sự cung cấp thông tin nên hiệu quả chưa cao.

Cuối cùng, chúng tôi hy vọng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng khép lại.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

*Tiêu đề do Báo Dân và Phát triển đặt

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.