Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi bất cập hại

PV - 10:55, 14/12/2018

Không chỉ mất đi cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động (NLĐ) còn bị thiệt thòi nhiều quyền lợi khác khi nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Mặc dù những hệ lụy này đã được cảnh báo nhưng số lượng NLĐ nhận BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng. Đây là tình trạng đáng báo động với các nhà quản lý chính sách.

bảo hiểm xã hội Nhận BHXH một lần để lại rất nhiều hệ lụy.

Sướng nhất thời, khổ cả đời

Tháng 1/2018, bà Trịnh Thị Yến, nhân viên Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai nghỉ hưu theo đúng độ tuổi quy định (55 tuổi) khi mà bà mới chỉ có 14 năm đóng BHXH bắt buộc. Trong khi đó, theo Luật BHXH 2014 thì lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ 20 năm trở lên mới được hưởng chế độ lương hưu.

Cũng như nhiều lao động nghỉ hưu khi chưa đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc khác để hưởng chế độ hưu trí, bà Yến có thể lựa chọn “rút” BHXH một lần. Tính thời gian đóng BHXH và hệ số lương, khi nhận BHXH một lần, bà Yến sẽ được chi trả khoảng 45 triệu đồng.

Đây là số tiền không quá lớn nếu tính để chi tiêu hằng tháng cho một lao động nữ nghỉ hưu. Bởi, cứ cho là bà Yến mỗi tháng chi tiêu khoảng 1 triệu đồng thì sau hơn 4 năm, số tiền đó sẽ hết. Đó là chưa kể, khi nhận BHXH một lần, bà Yến sẽ phải tự bỏ 700.000 đồng/năm để mua bảo hiểm y tế cũng như không có chế độ tử tuất sau này.

Nhưng bà Yến vẫn còn một lựa chọn khác, đó là tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và các chế độ khác. Thời gian còn thiếu của bà Yến là 6 năm, nếu lựa chọn đóng một lần, mức đóng là 550 nghìn đồng/tháng thì bà Yến sẽ đóng hơn 50 triệu đồng. Theo tính toán của BHXH tỉnh Đồng Nai, lựa chọn phương án này thì từ tháng 10/2018 cho đến hết đời, bà Yến sẽ được nhận lương hưu gần 1,4 triệu đồng/tháng.

Vị chi, tính từ tháng 10/2018 trở đi, cứ mỗi năm, bà Yến sẽ được nhận gần 17 triệu đồng lương hưu. Ngoài ra, bà còn được một thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 95% khi đi khám, chữa bệnh; dù mới bước sang tuổi 55 nhưng điều này vô cùng cần thiết với bà Yến. Do đó, sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà Yến đã đóng thêm 6 năm BHXH để nhận lương hưu và các chế độ chính sách khác.

Nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như bà Yến. Vì nhiều lý do, rất nhiều lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc, hoặc lao động bị thôi việc giữa chừng, đã chấp nhận “rút” BHXH một lần. Việc NLĐ nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng đáng báo động trong những năm gần đây.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong 11 tháng năm 2018, đơn vị này đã giải quyết 743.418 hồ sơ lao động nhận BHXH một lần. Trước đó, năm 2017, BHXH Việt Nam giải quyết gần 700.000 hồ sơ; năm 2016 giải quyết khoảng 665.000 hồ sơ.

Cân nhắc điều chỉnh chính sách

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hằng tháng và việc nhận BHXH một lần cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Ví dụ như trường hợp của bà Yến nêu trên. Bà đóng thêm hơn 50 triệu đồng cho 6 năm còn thiếu để nhận gần 1,4 triệu đồng lương hưu hằng tháng. Vị chi, chỉ cần tính trong 6 năm, bà sẽ được nhận hơn 100 triệu đồng tiền lương hưu; trong khi bà Yến năm nay mới 55 tuổi.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nếu NLĐ ở lại hệ thống BHXH lâu hơn thì sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn, với mức lương hưu cao hơn; còn hưởng một lần thì chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt. Dù vậy, tình trạng nhận BHXH một lần đang gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo ông Quảng, đây là một vấn nạn trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của NLĐ.

Tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng đang tạo một áp lực rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH lên 50% vào năm 2020. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến 30/11/2018, cả nước có 14,31 triệu người tham gia BHXH bắtbuộc, đạt tỷ lệ trên 25%; tăng thêm 790.000 người so với thời điểm ngày 31/12/2017.

Nhưng cũng từ đầu năm 2018 đến 30/11/2018, cả nước có 743.418 lao động rời khỏi hệ thống BHXH bắt buộc. Như vậy, trong 11 tháng năm 2018, BHXH chỉ tăng thêm được 46.582 người tham gia. “Đích” năm 2020 đã gần kề, vậy liệu mục tiêu đạt tỷ lệ 50% lao động tham gia BHXH bắt buộc có kịp hoàn thành?

Thực tế, việc nhận BHXH một lần không chỉ đem lại những thiệt thòi cho NLĐ mà còn tạo áp lực rất lớn đến việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do đó, cần thiết phải sửa đổi quy định được nhận BHXH một lần như hiện nay. Theo quy định hiện hành, NLĐ trong trường hợp thôi việc hoặc nghỉ hưu thì chỉ sau 1 năm là được hưởng trợ cấp 1 lần; khi bị nghỉ việc, họ có tâm lý muốn lấy tiền BHXH một lần ngay, không muốn chờ đợi.

Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định nhận BHXH một lần cũng cần đặt trong điều kiện phải cải cách một loạt các yếu tố khác trong chính sách BHXH như đã được thể hiện trong đề án cải cách. Theo đó, cần cải cách chính sách BHXH linh hoạt hơn, hấp dẫn hơn, tạo điều kiện hơn; đồng thời, xây dựng cơ chế để người lao động có việc làm bền vững hơn.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.