Trò chuyện với ông về hành trình tổ chức, xây dựng và phát triển Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc, nhà văn Nông Viết Toại cho biết, năm 1953 từ một Bí thư Huyện ủy (huyện Na Rì) ông được phân công làm Đội trưởng Đội Văn công miền núi Liên khu Việt Bắc dưới sự lãnh đạo của Ban Liên khu ủy và Ban Giám đốc khu tuyên truyền văn nghệ.
Ban đầu, Đội Văn công chỉ có 13 người, 90% là người DTTS chưa được đào tạo, học hành cơ bản về chuyên môn. Tuy nhiên, căn cứ vào năng khiếu của từng người, Đội trưởng Đội Văn công Nông Viết Toại đã phân công nhiệm vụ cho từng người nhằm phát huy hết khả năng nghệ thuật tiềm ẩn trong họ. Bên cạnh đó, ông còn mời một số nghệ sĩ, diễn viên ở các Đoàn, Đội Văn công ở các tỉnh khác đến dạy trực tiếp cho lớp diễn viên của mình.
“Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc xây dựng đội ngũ diễn viên người DTTS bằng cách đưa họ đi học tại các trường nghệ thuật ở Hà Nội, thậm chí là đi học ở nước ngoài để họ có trình độ chuyên môn cao và tự tin hơn vào khả năng biểu diễn nghệ thuật của mình. Và nhiều diễn viên đã trở thành đạo diễn giỏi, sáng tác được nhiều tác phẩm hay phục vụ trực tiếp cho các chương trình biểu diễn của Đoàn, như: diễn viên múa, biên đạo múa Lê Khình, Nông Văn Khang, Mã Thế Vinh, Đinh Quang Khải, Vương Thào, Chu Huệ Đức, Hà Thị Bời,…”, ông Toại, chia sẻ.
“Bên cạnh đó, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đã cùng một số cán bộ cốt cán của Đội đi vào các bản làng vùng sâu, vùng xa, các trường học, cơ quan vùng núi đặc biệt là đến các chợ phiên miền núi để tuyển người có giọng hát hay, thổi sáo giỏi, múa dẻo qua các cuộc hát đối đáp, giao duyên, các cuộc thi thổi kèn, thổi sáo giữa các nam thanh nữ tú DTTS trong chợ. Sau một thời gian, tôi đã tuyển được hàng chục chàng trai, cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… vào Đội”, ông Nông Viết Toại, chia sẻ.
Đồng thời, ông Nông Viết Toại cũng tích cực chủ động tìm kiếm, phát hiện và đề nghị cấp trên bổ sung nguồn diễn viên được đào tạo chính quy từ các trường Nghệ thuật của Trung ương, của Hà Nội về công tác tại Đoàn. Nhờ vậy, chỉ sau 10 năm xây dựng (1953 – 1963), từ một Đội Văn công nhỏ bé 13 người chưa được đào tạo một cách cơ bản đã trở thành một Đoàn Văn công chuyên nghiệp với hàng trăm diễn viên thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau (múa, hát, nhạc, tấu nói, xiếc,…) cùng một dàn nhạc bề thế, quy mô, đầy đủ các loại nhạc cụ hiện đại và nhạc cụ dân tộc như: Sen lô, violon, piano, ghita, sáo, nhị, khèn, kèn,…
Ngoài vai trò lãnh đạo, quản lý, nhà thơ Nông Viết Toại còn là một nhà nghiên cứu văn hóa DTTS. Ông đã tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca, các câu chuyện cổ, các câu thành ngữ, tục ngữ của đồng bào DTTS và sáng tác khá nhiều bài thơ bằng tiếng Tày phỏng theo các làn điệu Then (Then Bắc Kạn, Then Cao Bằng,…) được nhạc sĩ Đỗ Minh phổ nhạc, trở thành những tiết mục biểu diễn chính của Đoàn trong nhiều năm.
Theo lời kể của các nghệ sĩ hát Then Hà Thị Bời, Hoàng Thị Thời, Nông Thị Phanh (là những cựu diễn viên hát Then của Đoàn), những bài hát Then do nhà thơ Nông Viết Toại viết lời bằng tiếng Tày được phổ theo các làn điệu Then Cao Bằng, Then Bắc Kạn luôn được các diễn viên hát Then yêu thích, say mê và được khán giả nồng nhiệt đón nhận bởi lời thơ trữ tình, tha thiết lại rất chân thật, gần gũi, phù hợp với tâm hồn, lối nghỉ, cách cảm của người miền núi.
Cả cuộc đời nhà thơ Nông Viết Toại đã gắn bó máu thịt với sự nghiệp văn hóa văn nghệ của các dân tộc Việt Bắc. Ông đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa nghệ thuật các DTTS trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
HOÀI DƯƠNG