Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhà nổi chống lũ và sự trăn trở của ông thợ mộc

PV - 18:14, 03/04/2018

Trong khi người dân ở nhiều nơi, nhất là khu vực miền Trung, hằng năm phải gồng mình chống chọi với lũ dữ thì mô hình “ngôi nhà chống lũ thông minh” đạt giải 3 trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn quốc” của ông thợ mộc Cao Phương Tùng, ở Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) lại chưa được đưa vào ứng dụng.

Miệt mài sáng tạo vì người dân nghèo

Ông Cao Phương Tùng sinh năm 1965 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhiều năm tháng chứng kiến cảnh hàng vạn người dân nghèo, nhất là ở vùng nông thôn cứ mỗi lần mưa lũ về lại điêu đứng vì sập nhà, trong lòng ông luôn nung nấu ý tưởng thiết kế những căn nhà giá rẻ nhất nhưng hiệu quả chống lũ cao nhất. Cứ mô hình này thất bại ông lại sáng tạo mô hình khác. Từ ngày chuyển từ Quảng Nam lên huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) sinh sống bằng nghề thợ mộc, đam mê làm mô hình nhà chống lũ cho người dân càng thôi thúc mạnh mẽ hơn trong tâm trí ông. Không quản ngày đêm, ông Tùng đục đẽo, lắp ráp, thử nghiệm hàng loạt mô hình.

Mô hình nhà chống lũ thông mình của ông Tùng đạt giải toàn quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhưng vẫn chưa được ứng dụng. Mô hình nhà chống lũ thông mình của ông Tùng đạt giải toàn quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trườngtổ chức nhưng vẫn chưa được ứng dụng.

 

Rồi, vào một buổi chiều tháng 11/2011 tình cờ xem ti vi, ông Tùng thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu, ứng phó với biến đổi khí hậu” cộng với hình ảnh những người dân các tỉnh miền Trung khốn khổ chống chọi với bão lũ lại liên tục trỗi dậy khiến ông Tùng thao thức liên tục và quyết định phải thử sức mình ở cuộc thi cấp quốc gia vì ông nghĩ rằng nếu sản phẩm được thẩm định, người dân sẽ có cơ sở để ứng dụng.

Ý tưởng của ông Tùng lần này là ngôi nhà nổi chống lũ cố định. Sau mấy ngày làm mô hình và diễn giải, ông Tùng nhờ con gái viết đơn trình bày kèm phần phân tích chi tiết gửi đi dự thi. Kết quả, mô hình “Ngôi nhà chống lũ cố định” của thợ mộc Cao Phương Tùng đạt giải 3. Mô hình của ông cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích người dân nên ứng dụng.

Mô hình này, nhìn bên ngoài giống nhà thông thường, nhưng khi có lũ về ngôi nhà tách thành hai phần, phần cố định và phần nổi. Phần nổi được định vị trong 4 trụ bê tông cao trên dưới 6 mét tùy mức đỉnh lũ tại địa phương, giữ cho ngôi nhà không bị cuốn trôi, giúp người dân ở cố định chứ không phải lũ đến là phải chạy. Khi có lũ, tài sản vật dụng, vật nuôi ở phần nhà cố định chỉ việc chuyển hết lên phần nhà nổi. Nước dâng lên đến đâu, nhà nổi dâng lên đến đó nhờ dàn thùng phi nhựa loại 200 lít lót dưới đế sàn nhà, số phi nhiều hay ít tùy thiết kế nhà to hay nhỏ.

Đặc biệt giữa hai nhà, lối đi có mái che thiết kế kiểu chiếc thuyền úp ngược. Khi cần di chuyển, hay cứu người trong bão lũ, chỉ cần tháo bu lôn, lật ngược mái che lại thành chiếc thuyền để sử dụng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức cũng như bản thân ông Tùng, để làm nên một ngôi nhà chống lũ thế này chi phí rất ít, trung bình chỉ mất chừng hơn 120 triệu đồng mà lại an tâm, an toàn cả vật chất lẫn tính mạng con người khi có nước lũ ùa về.

Mong mỏi được ứng dụng

Mô hình được đánh giá cao là vậy nhưng ông Cao Phương Tùng buồn rầu cho biết: Sau mấy năm được giải thưởng, tác phẩm của ông vẫn nằm trong ngăn bàn, nằm trên bản thiết kế mà chưa được đưa ra ứng dụng thực tế cũng như đăng ký bản quyền. Do hoàn cảnh gia đình là nông dân nghèo nên ông Tùng không có vốn làm một ngôi nhà mẫu giữa rốn lũ để ai cũng có thể thấy được hiệu quả trực tiếp từ đó nhân rộng cho các tỉnh miền Trung hoặc đồng bằng sông Cửu Long để người dân đỡ thiệt hại về người và tài sản khi mùa lũ về.

Ông Tùng bảo, mình đã dành bao năm nung nấu sáng tạo và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao nhưng mùa mưa lũ năm nào cũng thấy người dân miền Trung ngụp lặn giữa biển nước, đau xót mà không biết phải làm sao.

Không chỉ sáng tạo mô hình nhà chống lũ, năm 2013, ray rứt trước cảnh trâu, bò của dân nghèo vùng cao chết hàng loạt vì giá rét, ông Tùng lại lao vào mày mò nghiên cứu mô hình lò sưởi thông minh chống rét cho gia súc. Công trình này đã được Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia công nhận là mô hình sáng tạo, có tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng. Tháng 2/2016 ông Tùng được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mời lên tận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trình diễn mô hình lò sưởi thông minh chống rét cho gia súc. Mô hình này với giá thành chỉ trên dưới 1 triệu đồng nên rất được người dân địa phương yêu thích. Nhiều địa phương còn được ông Tùng đến tận nơi hướng dẫn cách làm và sử dụng hệ thống lò sưởi thông minh này. Chỉ cần ít tôn, thép và bộ mô tơ, công tắc là có thể ráp nên lò sưởi, sưởi ấm được cho hàng chục con gia súc trong những ngày giá rét.

Sự thành công của mô hình lò sưởi thông minh càng khiến ông Tùng khắc khoải nghĩ về số phận hẩm hiu của mô hình nhà chống lũ, cũng là “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết mà ông đã sinh ra, chỉ mong được giúp dân nghèo đỡ cực nhọc chạy lũ hằng năm.

N. VƯƠNG-Đ.HƯNG