Từ ngày còn thơ bé, Trần Quang Thông đã nuôi mơ ước học hành thành đạt để giúp ích cho xã hội, vậy nhưng đang tuổi thanh niên sức lực dồi dào thì Thông mắc phải căn bệnh u não, phải bỏ ngang việc học. Trong thời gian vừa điều trị bệnh, Thông vừa tham gia dạy học từ thiện cho trẻ em lang thang ở Công viên Tao Đàn, TP . Hồ Chí Minh. 10 năm dạy học từ thiện càng thúc đẩy Thông thực hiện dự định xây dựng Nhà lưu trú cho học sinh nghèo, lang thang, trẻ mồ côi của Tây Nguyên.
Năm 1997, thầy Thông trở lại Buôn Ma Thuột xây dựng “Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa” rộng 120m2 trên mảnh đất có tổng diện tích 1.000m2. Năm học đầu tiên, Nhà lưu trú đón 37 học sinh mồ côi, trẻ em nghèo ở nhiều lứa tuổi khác nhau về học.
Thầy Đinh Văn Rạng, một nhà giáo về hưu quản lý học sinh tại Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa chia sẻ: Ngoài việc học tập, các em còn được rèn luyện khuôn khổ, nề nếp như “quân đội chính quy” . Đến trường học có xe đưa đón, các sinh hoạt ăn uống, vui chơi thể thao, giã ngoại, ngủ nghỉ, đều được tổ chức nề nếp và giờ giấc quy định chặt chẽ. Những em nghiện game, thuốc lá vào đây chỉ sau một thời gian ngắn đều bỏ được thói hư tật xấu, học hành ngày một tiến bộ.
Hoạt động một thời gian ngắn, Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa đã thu hút hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Lạng Sơn, Bình Phước tới lưu trú, học tập. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng không có thời gian chăm sóc, quản lý con cái cũng tìm đến để gửi con vào học tập.
Em Mai Văn Sang ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông bị tai nạn bỏng xăng nên việc đi lại, sinh hoạt đều rất khó khăn. Gia đình Sang thuộc diện nghèo, thầy Thông đưa Sang về nuôi dưỡng, ăn học từ năm lớp 8. Nay Sang đã trở thành chàng sinh viên năm thứ 3, ngành Sinh học, Trường Đại học Tây Nguyên và vẫn tiếp tục được thầy Thông giúp đỡ. Sau những giờ học ở trường, Sang về phụ đạo kiến thức cho các em nhỏ, hướng dẫn các em trồng rau, nuôi gia súc đúng khoa học kỹ thuật.
Năm 2013, thầy Thông mở rộng mô hình xây dựng thêm nhà nội trú trên diện tích đất 1,7ha cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Đại học Tây Nguyên; học sinh Trường THPT Lê Duẩn trọ học và Cơ sở thực nghiệm tại phường Khánh Xuân. Cơ sở thực nghiệm được quy hoạch trồng cây ăn trái, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vừa tạo nguồn thu, bảo đảm đời sống cho thầy và trò nhà lưu trú. Đồng thời vừa giúp học sinh, sinh viên tiếp cận các công việc thường nhật, gắn học lý thuyết ở trường với thực hành ở nhà lưu trú. Ngoài ra, các mô hình trong khu thực nghiệm còn mang lại nguồn thu nhập cho Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa để hoạt động hiệu quả hơn.
Từ ngày thành lập đến nay, đã có hơn 200 học sinh trưởng thành từ Nhà lưu trú. Bình quân mỗi năm, có 10 em tốt nghiệp THPT, trong đó một số em đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Hiện nay, Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa đang có hơn 100 em học sinh bậc Tiểu học, THCS, THPT và 13 sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Để quản lý, bảo đảm phục vụ học tập, sinh hoạt cho các em, thầy Thông đã huy động thêm 13 cán bộ, nhân viên, mỗi người đảm trách một việc, từ quản lý học sinh, quản lý quỹ, lái xe đưa đón học sinh, đến nấu ăn, học phụ đạo ngoài giờ.
Ông Nguyễn Đình Ninh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Tiến, TP . Buôn Ma Thuột nhận xét: Thầy Trần Quang Thông là một trong tấm gương tiêu biểu trong hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương. Hơn 20 năm qua, thầy đã cưu mang học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ nhiều miền quê, giúp các em vượt lên số phận để trưởng thành. Ngoài ra, thầy Thông còn huy động các nguồn tài trợ hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, người cô đơn của phường Tân Tiến giảm bớt khó khăn.
LÊ HƯỜNG