Xu thế của thời đại mới
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trực tiếp bị ảnh hưởng. Việc áp dụng nhà hát trực tuyến, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả đã được triển khai và bước đầu thu hút được hiệu quả nhất định. Đây cũng là xu thế của thời đại mới, vì thế đòi hỏi cần có một chiến lược đầu tư nghiêm túc, bài bản.
Ngay từ tháng 6, Bộ VHTTDL đã có những chỉ đạo triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi thông báo đến các nhà hát trực thuộc bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình.
Nhà hát Tuồng Việt Nam duy trì đầu tư, tinh luyện các vở diễn cổ, trích đoạn đặc sắc để biểu diễn, giới thiệu và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thậm chí, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ giữa năm 2020, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức ghi hình nhiều vở tuồng cổ do nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, đăng tải trên mạng xã hội Youtube để giới thiệu và quảng bá.
Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức hoạt động ghi âm, ghi hình các chương trình, vở diễn, tiết mục truyền thống… Bên cạnh đó vẫn duy trì sân khấu nhỏ “Chiếu chèo” vào tối thứ sáu hằng tuần tại Rạp Kim Mã, để các nghệ sĩ trẻ biểu diễn những trích đoạn chèo cổ.
Là một người nghệ sĩ ai cũng muốn phần trình diễn của mình sẽ được đón nhận tình cảm và sự hiện diện đông đảo của khán giả. Khi được biểu diễn trực tiếp thì người nghệ sĩ sẽ thăng hoa hơn rất nhiều. Bởi hiệu ứng khán giả là rất quan trọng. Nghệ sĩ Thanh Huyền đang công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Với Thanh Huyền thì lúc nào cũng muốn đêm biểu diễn của mình sẽ có thật nhiều khán giả. Đó như một liều thuốc tinh thần. Khi bước ra sân khấu thấy được mọi ánh nhìn trực diện của khán giả đang chăm chú theo dõi mình diễn thì tự dưng cảm thấy thật thăng hoa rất nhiều so với những chuỗi ngày luyện tập không có khán giả. Những ngày tháng gần đây nhiều các nghệ sĩ không thể giấu nổi việc khao khát đứng trên sân khấu biểu diễn. Chính vì thế đã có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn online qua facebook, youtube... thu hút được sự quan tâm của khán giả”.
Cũng trong xu hướng này, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam…, cùng nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật khác đã xây dựng kênh Youtube và Facebook để phát những chương trình đã ghi hình, video giới thiệu tác phẩm, lên phương án biểu diễn trực tuyến lâu dài.
Kỳ vọng thu hút được sự tương tác của khán giả
Trước đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã xây dựng kênh nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hướng Dương- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Hiện nay Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các Đài truyền hình để tổ chức chương trình nghệ thuật trên truyền hình và đang cần hoàn thiện đề án, lựa chọn chương trình vở diễn, nên khi triển khai sẽ có thông báo chi tiết. Việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến được đánh giá là phù hợp trong thời điểm hiện tại, để duy trì và tăng cường kết nối giữa nghệ thuật và khán giả. Song làm thế nào để hấp dẫn khán giả cũng là điều mà nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật đang gặp phải.
Anh Nguyễn Ngọc Duy, người có đam mê với sân khấu chia sẻ: “Tất nhiên việc ngồi dưới sân khấu xem trực tiếp các nghệ sĩ biểu diễn sẽ chạm được đến cảm xúc người xem bởi cái sự chân thật về âm thanh, hình ảnh. Việc xem các vở kịch hay buổi biểu diễn xiếc qua truyền hình khiến cho khán giả có cảm giác phần nào đó giảm sức hút và cảm xúc. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì tôi thấy sân khấu trực tuyến là một giải pháp khả quan. Có thể những vở diễn sẽ bị cắt bớt nội dung chi tiết nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu người xem”.
Trong thời đại công nghệ số thì biểu diễn trực tuyến là định hướng mới cho người nghệ sỹ và toàn xã hội. Những kênh mạng xã hội bây giờ là kênh truyền thông cho xu thế chung. Đây là một xu thế để các đơn vị biểu diễn thay đổi hình ảnh và phương pháp tiếp cận với khán thính giả. Bên cạnh đó, các trích đoạn cải lương, phim điện ảnh và ca nhạc... phát trực tiếp trên trang web hoặc mạng xã hội đã tạo nên một không khí mới cho đời sống âm nhạc trong thời kỳ dịch bệnh và hình thành thêm một thói quen thưởng thức nghệ thuật mới cho người dân.
Nhà hát trực tuyến được kỳ vọng sẽ thu hút được sự tương tác của khán giả đối với các sản phẩm sân khấu, lôi kéo mọi người đến nhà hát nhiều hơn và là một hình thức quảng bá hiệu quả. Một ưu điểm khác của “nhà hát trực tuyến” đó là đảm bảo được công tác lưu trữ.
Mô hình nhà hát trực tuyến không chỉ là giải pháp trong thời Covid-19 mà theo các nghệ sĩ đánh giá, nhà hát trực tuyến phải được coi như một hướng đi mới để tiếp cận các hoạt động biểu diễn. Hiện nay, điều kiện kỹ thuật của các nhà hát và sân khấu Việt Nam còn hạn chế, trong khi để thực hiện một chương trình biểu diễn trực tuyến, ngoài yêu cầu về sân khấu, hệ thống âm thanh phù hợp, còn cần thực hiện ghi hình dưới nhiều góc độ, mới truyền tải được toàn bộ tinh thần của tác phẩm. Biểu diễn trực tuyến nếu triển khai tốt, bài bản thì không thiếu hình thức đăng ký xem và trả tiền trên mạng để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ có nguồn thu hỗ trợ sáng tạo.