Tại hội thảo "Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản (BĐS) trong giai đoạn hiện nay" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, năm 2021, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, nguồn cung BĐS sụt giảm, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy, các dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép và 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành. Trong số này, tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép và 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành. Khu vực miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép và 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành. Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép và 35 dự án với 1.540 căn hoàn thành.
Đối với nhà ở xã hội, cả nước cũng chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội với 2.402 căn được cấp phép mới và 11 dự án với 1.352 căn hoàn thành.
Phân khúc dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú cũng chỉ có 46 dự án mới với 10.009 căn hộ du lịch, 2.112 biệt thự du lịch được cấp phép; 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai ghi nhận mức tương đương so với cùng kỳ năm 2020. Trên cả nước có 254 dự án với 82.258 căn được các sở xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Dẫn đầu là miền Bắc với 167 dự án, tương đương 37.244 căn. Tiếp đến là miền Trung có 61 dự án với 19.629 căn. Miền Nam có 60 dự án với 25.385 căn. Trong số liệu thống kê này, thì riêng tại Hà Nội có 19 dự án với 10.791 căn và tại TP Hồ Chí Minh có 13 dự án với 6.803 căn.
Cùng đó, lượng giao dịch BĐS trên toàn thị trường cũng chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 66.950 giao dịch thành công trên cả nước thì miền Bắc có 23.621 giao dịch, miền Trung 18.399 giao dịch và miền Nam ghi nhận 24.930 giao dịch; trong đó, Hà Nội chiếm 8.410 giao dịch thành công và TP Hồ Chí Minh đạt con số 6.803 giao dịch thành công.
Giá giao dịch BĐS được đánh giá là tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc BĐS. Đáng chú ý là thời điểm cuối quý I và đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt giá" tại một số phân khúc BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền. Cụ thể, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tăng khoảng 5-7%. Giá đất nền tại một số địa phương tăng cục bộ từ 20-45%.
Tuy nhiên, hiện tượng này đã nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo, cũng như công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.
Dự báo về thị trường BĐS năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, khả năng phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới là những yếu tố tích cực để tạo gam màu sáng cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
Hiện nguồn cung trên thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện là do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi đó, xu hướng giá BĐS có thể tiếp tục tăng ở mức cao do nguồn cung yếu và áp lực cầu mạnh. Lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn nếu dòng tiền đầu tư vẫn chọn thị trường BĐS để rót vốn.