Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người xây dựng thương hiệu “Chè Phong Vân”

PV - 10:21, 28/05/2019

Từng đạt giải Nhì trong cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2014, chàng trai dân tộc Tày-Hà Ngọc Châm, sinh năm 1995, quê ở Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn săn đón. Song, Châm đã từ chối để về quê vận động hàng chục thanh niên cùng nhau khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu chè Phong Vân.

Khởi nghiệp từ cây chè

Sinh ra và lớn lên từ bản làng, tuổi thơ của Hà Ngọc Châm đã gắn bó với núi rừng bao la. Ở quê anh có một sản vật vô cùng quý giá là chè Shan tuyết mọc trên núi cao hàng trăm năm tuổi. Ngay từ nhỏ, Châm vẫn được người già trong bản kể về nguồn gốc của rừng chè này. Đó là vào những năm 20 của thế kỷ trước, người Pháp tới Vị Xuyên nghiên cứu và gieo trồng thứ chè Shan tuyết mọc ở độ cao từ 300-1000m. Loại chè này có lá to, búp và lá non có lông trắng như tuyết có sức sống mãnh liệt nơi mảnh đất cằn cỗi.

Hà Ngọc Châm với các sản phẩm chè Phong Vân. Hà Ngọc Châm với các sản phẩm chè Phong Vân.

Thế nhưng dù được thiên nhiên ban tặng cho giống chè đặc sản quý hiếm nhưng chè ở Vị Xuyên vẫn chỉ được người dân sản xuất tự cung, tự cấp và bán một lượng rất nhỏ, chưa thể làm giàu cho quê hương.

Chính vì thế, sau này vào học tại Học viện Nông nghiệp, chàng sinh viên Hà Ngọc Châm luôn nghĩ về cây chè của địa phương. Vào năm 2013, khi là sinh viên năm thứ 2, với vốn kiến thức tiếp thu được ở trường đại học, Châm cùng 6 bạn khác đã cùng lên ý tưởng nghiên cứu đề án phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Bó Đướt. Đây là thôn có nhiều chè cổ thụ nhất nằm ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên.

Hà Ngọc Châm kể, để nghiên cứu Đề án này, nhóm đã phải nhịn ăn sáng, chia đôi suất ăn trưa, chắt bóp tiền rồi phải vay thêm gần 10 triệu đồng mới đủ tiền để nghiên cứu, thực địa ở Hà Giang. Sau hơn 1 tháng, nhóm viết xong Đề án phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Bó Đướt. Khi ấy, thầy giáo Đặng Xuân Phi thành viên Chương trình khởi nghiệp nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp đánh giá cao và động viên nhóm gửi cho chương trình khởi nghiệp quốc gia và đạt giải Nhì.

Châm cho biết: Sau khi đạt giải, chúng tôi rất mừng vì số tiền thưởng đã đủ để trả nợ. Nhưng quan trọng hơn, giải thưởng này là dấu ấn quan trọng động viên nhóm mạnh dạn “khởi nghiệp” trên thực tế.

Xây dựng thương hiệu “Chè Phong Vân”

Ra trường, Châm quyết tâm về lại địa phương tìm hướng đi mới cho chè cổ thụ. Sau một thời gian suy nghĩ, Hà Ngọc Châm quyết định tới gặp Bí thư Huyện Đoàn Vị Xuyên bày tỏ nguyện vọng. Lắng nghe tâm huyết của Châm, Bí thư Huyện đoàn đã triệu tập cuộc họp và giới thiệu Châm về làm Phó Bí thư đoàn thị trấn Việt Lâm.

Được sự “tiếp lửa” của Đoàn Thanh niên, Hà Ngọc Châm đã tới từng nhà đoàn viên, thanh niên vùng chè cổ thụ ở thị trấn Việt Lâm và xã Thượng Sơn vận động tham gia Hợp tác xã (HTX) thanh niên Việt Lâm. HTX do Hà Ngọc Châm làm Giám đốc.

Châm tâm sự, mặc dù năng suất làm chè của người dân rất thấp, đầu ra thiếu ổn định, giá cả bấp bênh nhưng để vận động bà con thay đổi tư duy để làm theo hướng liên kết sản xuất, làm theo chuỗi giá trị là một việc không hề đơn giản. Có những lần Châm đến gõ cửa, nhiều người gây khó khăn không tiếp. Thế nhưng với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, không ngại gian khó, Châm đã vận động được 27 đoàn viên tham gia, số vốn góp được lên tới 1,2 tỷ đồng trên vùng sản xuất 200ha.

Hà Ngọc Châm tâm sự, về phương thức sản xuất, trước đây, người dân chỉ hái chè và sao chè hoàn toàn bằng thủ công. Với cách làm này, một người dân chỉ làm được 5-10kg chè/một ngày. Châm cho biết, cách làm này tạo ra được loại chè rất ngon, giữ được hương vị nhưng chỉ có thể phục vụ được một lượng khách rất nhỏ.

Vì vậy, Hà Ngọc Châm đã phải làm một cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất vốn đã ăn sâu bám rễ gần 100 năm của người dân. Bên cạnh cách làm chè truyền thống để bán cho khách có thu nhập cao, Hà Ngọc Châm vận động người dân đưa máy móc vào sản xuất từ khâu hái chè, vò chè và sao chè. Theo đó, Châm và các đoàn viên nghiên cứu khử mùi chát, đắng của chè cổ thụ để đưa vào các vị hoàn toàn mới như cốm, sữa, trứng… phục vụ đông đảo khách hàng.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX thanh niên Việt Lâm đã bước đầu xây dựng thành công thương hiệu “Chè Phong Vân” với nhiều loại sản phẩm phong phú. Các sản phẩm đã đăng đăng ký thương hiệu, đóng gói bắt mắt.

Châm tâm sự, đến nay, mỗi năm HTX cho ra đời khoảng 600 tấn chè tươi, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 60 lao động. Doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. “Chè Phong Vân” cũng đã được bán trên nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, HTX thanh niên Việt Lâm đang quyết tâm đứng vững từ phát triển sản phẩm chè Shan tuyết, góp phần làm giàu cho quê hương vùng cao.

HIẾU ANH