Vẫn còn có địa phương người nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo y tế
Chiều 15/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã rà soát lại việc tổ chức đưa đón, bàn giao, tiếp nhận người cách ly; có văn bản hướng dẫn các địa phương theo nguyên tắc, khi địa phương tiếp nhận người trở về từ các khu cách ly tập trung phải có đầy đủ các điều kiện, trong đó phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế chỉ đạo, các đơn vị, đặc biệt bộ phận y tế của các khu cách ly, hướng dẫn người được cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày tiếp theo tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Cùng với đó, phần mềm quản lý người thực hiện cách ly tập trung đã được triển khai. Theo đó, Ban Quản lý các khu cách ly tập trung; chính quyền, y tế, công an xã/phường (nơi có người cách ly tập trung trở về) được cung cấp tài khoản để sử dụng, quản lý dữ liệu thông tin. Hệ thống sẽ quản lý toàn bộ hành trình của từng người nhập cảnh, từ khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đến khi trở lại sinh hoạt trong cộng đồng.
Báo cáo về tình hình nhập cảnh trên đường thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau khi khảo sát, làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng - hai địa phương có nhiều điểm chung như đều có sân bay, đường thủy…
Theo phản ánh, cả hai địa phương đều xuất hiện tình trạng người nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo y tế trước khi lên máy bay, người nhập cảnh trái phép trên đường biển...
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo có các phương án hướng dẫn để Khánh Hòa, thành phố Đà Nẵng, cũng như các địa phương khác trên cả nước thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tình trạng người nhập cảnh hợp pháp, không hợp pháp vào Việt Nam.
Người nhập cảnh từ vùng có Covid-19 biến chủng mới sẽ phải cách ly dài hơn
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay, công tác phòng, chống dịch vẫn giữ vững được kết quả, cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước.
Tính đến ngày 15/1, Việt Nam có 45 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tổng số ghi nhận 1.536 ca mắc Covid-19, trong đó có 876 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 ca mắc trong nước.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới với các ca mắc mới, ca tử vong tăng lên cao mỗi ngày, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu do sự xuất hiện của chủng mới của virus SAR-CoV-2; tâm lý khi có vaccine ngừa Covid-19; các nước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch trong dịp nghỉ Lễ Giáng sinh, năm mới…
Ở trong nước, nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo giữ an toàn, đặc biệt trong thời gian tới, chuẩn bị Tết Nguyên đán 2021, Đại hội XIII của Đảng…
Đối với các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam, các ý kiến nhận định, một số chuyến bay giải cứu công dân, đưa người Việt Nam kết hợp với chuyên gia nước ngoài vào trong nước đều thực hiện cách ly y tế nghiêm túc. Do đó, hầu hết những người này không tạo ra ổ dịch lớn trong cộng đồng. Tuy nhiên, do chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện, Việt Nam hạn chế tối đa các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam.
“Hệ thống thông tin đã hoàn thiện và trở thành một vòng giám sát y tế khép kín. Tôi đề nghị phải tập huấn kỹ, không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nào như từng xảy ra. Đồng thời, dứt khoát không để xảy ra tình trạng sau này về đến sân bay mới phát hiện chưa khai báo y tế, gây ùn tắc tại sân bay.
Ban Chỉ đạo cũng nêu lo ngại với vấn đề nhập cảnh qua đường bộ, trong đó, các trường hợp nhập cảnh hợp pháp vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung và ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp.
Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ và được cách lý tại các trung tâm cách ly tập trung của quân đội, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ không thu phí”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.