Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Việt gốc Lào trên vùng đất Buôn Đôn

Lê Hường - 12:09, 14/05/2023

Từ những người Lào đầu tiên di cư từ xứ sở triệu voi đến nay cộng đồng người Việt gốc Lào ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã lên đến hàng trăm hộ. Với tính cách hồn nhiên, sôi nổi, đồng bào chung sống chan hòa, đoàn kết, vừa hòa nhập, giao thoa văn hóa với các dân tộc địa phương, vừa duy trì nhiều hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn bản sắc riêng của dân tộc, thắt chặt tình Hữu nghị Việt - Lào.

Nghi thức tắm Phật trong Lễ hội Bunpimay của người Lào
Nghi thức tắm Phật trong Lễ hội Bunpimay của người Lào

Giao thoa văn hóa

Buôn Đôn là vùng đất huyền thoại với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa sắc màu, cũng là xứ sở voi của núi rừng Tây Nguyên với những câu chuyện huyền bí. Nơi đây hiện vẫn còn nhiều di sản mang dấu ấn văn hóa Lào, như cây Bồ Đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành; ngôi nhà cổ của vua săn voi Y Thu K’Nul - người mang trong mình hai dòng máu Lào - M’Nông; khu nhà mồ của những người săn voi giỏi bậc nhất Bản Đôn nằm ở bìa rừng Buôn Trí A.

Những người già ở vùng đất Buôn Đôn kể lại, người Lào ngược dòng Sêrêpốk đến buôn bán giao thương, trao đổi hàng hóa với người dân Tây Nguyên khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Thấy phong cảnh hữu tình, người dân mến khách, một số thương lái quyết định ở lại đây sinh cơ, lập nghiệp. Họ mang đến những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo đến vùng đất này. Trải quan bao biến cố, thăng trầm, đến nay vùng đất Buôn Đôn đã có 107 hộ gia đình, với 398 khẩu là người Việt gốc Lào, tập trung chủ yếu ở xã Krông Na.

Ông Bun Mi Lào là một người hiểu văn hóa, lịch sử của vùng đất Buôn Đôn chia sẻ: Ngày xưa, một số người Lào đến đây giao thương, buôn bán rồi ở lại lập nghiệp, kết hôn với những chàng trai, cô gái Ê Đê, Mnông, Gia Rai và sinh ra một thế hệ mang hai dòng máu Việt - Lào trên vùng đất này.

 Sinh sống thuận hòa và cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, dù vậy bà con vẫn nhớ về cội nguồn, giữ gìn những nét đẹp, phong tục, tập quán truyền thống. Bây giờ, kinh tế ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận lợi, đặc biệt các thủ tục hành chính cũng không còn khó khăn, người Việt gốc Lào ở Buôn Đôn vẫn thường xuyên về thăm người thân.

Điệu máu lăm vông của người Lào thể hiện tình đoàn kết
Điệu máu lăm vông của người Lào thể hiện tình đoàn kết

Bén duyên trên quê hương mới, người Lào sinh sống chan hòa, giao thoa văn hóa với các dân tộc địa phương, nhưng cũng trân trọng giữ gìn văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc. Hàng năm người Lào trên vùng đất Buôn Đôn vẫn tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc, điệu múa, bài dân ca và nhạc cụ dân tộc Lào vẫn được các thế hệ lưu truyền.

Ông Y Sy Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn chia sẻ: Buôn Đôn là vùng đất giao thoa văn hóa, ở đây không chỉ văn hóa các dân tộc tại chỗ, còn có các dân tộc phía Bắc và đặc biệt văn hóa Lào. Bà con dân tộc Lào từ khi sinh sống trên mảnh đất Krông Na đến nay luôn cùng các dân tộc, kề vai sát cánh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng nước được cải thiện.

Vun đắp tình đoàn kết, gắn bó

Ở Buôn Đôn, chuyện người Lào lấy người M’Nông, Ê Đê rất phổ biến, hai dòng máu Việt - Lào quyện hòa chảy trong những người con, cháu, tình đoàn kết các dân tộc càng thêm thiêng liêng, chung thủy. Họ giao thoa về văn hóa, ngôn ngữ nên rất khó để phân biệt người gốc Lào hay người địa phương.

Phong tục buộc chỉ tay cầu may mắn trong ngày đầu năm mới của người Lào
Phong tục buộc chỉ tay cầu may mắn trong ngày đầu năm mới của người Lào

Lớn lên trên mảnh đất huyền thoại này, hòa mình trong cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc tại chỗ, rồi lấy chồng là người Ê Đê, chị Nang Bun Sốm Lào (SN 1983), Chủ tịch UBND xã Krông Na tự hào là thế hệ thứ 3 của người Lào trên mảnh đất Buôn Đôn. Chị kết duyên cùng chàng trai Ê Đê, dòng máu Việt - Lào chảy hòa quyện trong 2 người con trai của chị.

Chị Sốm chia sẻ: Cuộc sống của người dân ở xã vùng biên này dung dị, gần gũi lắm. Các dân tộc giao thoa văn hóa, nơi đây rất nhiều người nói 2 - 3 thứ tiếng các dân tộc, không còn khoảng cách về ngôn ngữ, về văn hóa giữa các dân tộc. Bà con người Lào ở đây được tạo điều kiện, thường xuyên về thăm quê. Mình bận rộn học hành, công việc nên ít về thăm quê, nhưng ông nội, các bác, chú thì vẫn thường xuyên về quê nên mình hiểu rõ về nguồn cội, dòng tộc bên Lào.

Những cô gái Lào ở Buôn Đôn mang trang phục truyền thống, cài hoa chăm pa di dự lễ hội
Những cô gái Lào ở Buôn Đôn mang trang phục truyền thống, cài hoa chăm pa tham gia lễ hội

Tự hào mang trong mình hai dòng máu Lào - Mnông, ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào xã Krông Na, am hiểu tưởng tận về nguồn cội, lịch sử gia đình, dòng học và cả văn hóa, phong tục của người Lào.

Ông Y Lươm chia sẻ: Tết cổ truyền của người Lào hay còn gọi là Lễ hội Bunpimay vẫn được Hội Hữu nghị Việt - Lào, chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức thường niên, với các nghi thức đúng theo phong tục truyền thống. Lễ hội không chỉ là dịp giao lưu văn hóa còn mang đậm tính nhân văn, giúp những người Việt gốc Lào nhớ về nguồn, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc, là động lực quan trọng để mỗi người Việt gốc Lào vun vén, xây đắp cuộc sống trên quê hương mới. Đồng thời, đây cũng là hành động thiết thực tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào thêm sâu sắc.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.