Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người vẽ thuyền đua ở đảo Lý Sơn

PV - 14:04, 02/07/2018

Ngày ngày, ông Hên vẫn rong ruổi trên vùng quê ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), ven biển Quảng Ngãi để vẽ trang trí cho ghe đua; phục hồi, tôn tạo một số công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông được nhiều nơi ở vùng ven biển mời giúp vẽ thuyền đua và giữ gìn nét đẹp văn hóa biển đảo.

Ông Hên tỉ mỉ chăm chút cho tác phẩm của mình. Ông Hên tỉ mỉ chăm chút cho tác phẩm của mình.

 

Ông Bùi Thanh Hên, 53 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện đảo Lý Sơn. Từ cái thuở lon ton cùng cha theo người dân trong làng ra dọc bờ biển để xem lễ hội đua thuyền, ông Hên đã hết sức ấn tượng với màu sắc, hình thù bắt mắt trên những chiếc thuyền.

Trong suy nghĩ của ông, nó khác biệt với chiếc thuyền cha đi đánh cá ở nhà. Chỉ cần quan sát vài lần, ông Hên không quên “thử nghiệm” những nét vẽ mình từng xem qua vào chiếc thuyền của cha, hay bất cứ đâu ông có thể thỏa mãn niềm đam mê sở thích của mình.

Ông Hên yêu nghề vẽ từ đó. Năm còn học cấp 3, ông đã có thể tự mưu kiếm tiền đi học bằng việc vẽ chân dung Bác Hồ; vẽ bàn thờ cúng cho người dân trong xã; vẽ tranh tường, dựng hòn non bộ cho các quán cà phê, vẽ bảng hiệu quảng cáo...

“Khi lớn lên, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi vẫn ấp ủ thi vào Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, nuôi giấc mơ gắn bó với nghề một cách chuyên nghiệp. Giấc mơ trở thành hiện thực, tôi trở về quê hương, góp phần gìn giữ những bản sắc văn hoá mà ông cha ta đã để lại”, ông Hên bày tỏ lý tưởng.

Lý Sơn là nơi có hoạt động đua thuyền Tứ Linh diễn ra thường xuyên, khá sôi nổi vào những dịp Tết, lễ hội. Đây là nét sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển. Thế nhưng, số lượng người vẽ thuyền đua bây giờ chỉ còn vài người. Những người như ông Hên vừa có năng khiếu, kinh nghiệm, sự sáng tạo, vừa am hiểu kiến thức của văn hóa Lý Sơn càng hiếm hơn.

Vì thế, trước khi lễ hội đua thuyền diễn ra khoảng hai tháng, để có một trong những con tứ linh “Long-Lân-Quy-Phụng” độc đáo nhất, các đội đua đều tranh thủ đặt hàng ông Hên. Với mỗi con thuyền làm ra ông Hên nhận về gần 40 triệu đồng.

Không tính tiền công làm thuyền, chỉ riêng thiết kế, thi công đầu, đuôi linh vật, vẽ và trang trí thuyền khoảng 25 triệu đồng. Trừ chi phí, ông có tiền công được hơn 10 triệu đồng.

“Thuyền của ông Hên vẽ… hên lắm đấy! Bởi vì chúng tôi tin tưởng vào tay nghề của ông ấy, thể hiện đúng được hình thù, thần thái linh vật mà các đội mong muốn”, ông Phạm Quang Ri, xã An Vĩnh cho biết.

Trong 4 con linh vật của tứ linh, anh Hên thích nhất là vẽ rồng vì nó khó nhất. Để làm nên “hồn cốt” cho một con rồng không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Quan sát từng chi tiết, họa tiết sắc sảo, sự phối hợp ăn ý giữa những sắc màu rực rỡ vàng-xanh-đỏ-hồng trên thuyền từ đầu, đuôi linh vật đến thân thuyền mới thấy được sự công phu, tài hoa của người thợ vẽ như ông Hên.

Nhìn ông “múa” bút, mà có thể tưởng tượng cảnh con rồng đang bay lượn trên sóng nước, mây trời. Quả thật, riêng về cái tài, ông luôn khiến mình nổi bật, khác biệt hơn người khác là thay đổi mẫu mã mỗi năm, tạo cảm hứng cho các “tay” đua.

Thường kết thúc lễ hội đua thuyền hằng năm, ông Hên lại rong ruổi trên những con đường ven biển ở đất liền trên chiếc xe cũ kỹ. Ông bảo rằng, 12 tháng trong năm, ông dành 7 tháng cho biển đảo, thời gian còn lại dành cho đất liền.

Đầu rồng do ông Hên chế tác. Đầu rồng do ông Hên chế tác.

 

Ngoài làm thuyền đua, ông Hên còn nhận thi công, trang trí các công trình kiến trúc cổ như: dinh, miếu, có qui mô lớn cho cư dân Lý Sơn; cư dân ven biển ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ… và nhiều tỉnh thành khác như Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Nội.

Mọi công đoạn đều làm thủ công, từ kết cấu rường cột, mái ngói đến những chi tiết nhỏ nhất như, hình thù linh vật rồng phượng, hoa lá trang trí. Theo ông, chỉ có làm bằng thủ công mới truyền tải được hết vẻ đẹp cổ kính, mềm mại, trang nghiêm của các chi tiết cổ trong hoa văn kiến trúc xa xưa của cha ông, nó khác biệt so với những kiến trúc hình khối hiện đại trên máy tính bây giờ. Việc làm bằng thủ công còn thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đã sáng tạo ra giá trị cả về vật chất, lẫn tinh thần.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, công việc tuy vất vả, lại thường xuyên xa gia đình nhưng ông Hên cảm thấy vinh dự vì được mọi người tin tưởng trong nghề. Hơn cả hết, đó là niềm vinh dự gần cả cuộc đời ông theo đuổi trong việc giữ gìn, góp phần quảng bá và giới thiệu cho nhiều người biết đến những tinh hoa kiến trúc nghệ thuật độc đáo của Lý Sơn…

Đinh Quang

 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.