Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhịp cầu nhân ái

Người tình nguyện xây hàng chục cây cầu

PV - 10:28, 18/02/2019

Trong căn nhà khang trang (tại trung tâm xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), trò chuyện về việc tình nguyện bắc cầu cho người dân đi lại, chị Nguyễn Thị Kim Tươi, 31 tuổi nói: “Chuyện bắc cầu mới để bà con đi lại dễ dàng, học sinh đến trường an toàn là mong ước của tôi từ rất lâu rồi”.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo đông anh chị em tại xã Tân Phước, huyện Lai Vung, chị Nguyễn Thị Kim Tươi nhớ lại: “Nhiều lần qua những cây cầu tre tôi cùng các bạn đã té sông ướt hết quần áo, sách vở. Lúc đó tôi ao ước có một cây cầu kiên cố để đến trường. Khổ nhất là cảnh người bệnh nửa đêm đau ốm, muốn đưa đến bệnh viện chỉ có một phương tiện duy nhất là xuồng, ghe. Nước lớn còn đỡ chớ nước “ròng” thì bó tay luôn”.

Cầu “ Bảy Thiềm” đã hoàn thành, đây là một trong hàng chục cây cầu nông thôn từ sự đóng góp của chị Kim Tươi. Cầu “ Bảy Thiềm” đã hoàn thành, đây là một trong hàng chục cây cầu nông thôn từ sự đóng góp của chị Kim Tươi.

Để biến ước mơ thành hiện thực, sau nhiều năm lao động, thành công với nghề kinh doanh thức ăn gia súc, Kim Tươi cùng chồng đã có được một cơ ngơi vững chắc, kinh tế ổn định. Suy nghĩ đầu tiên và luôn thôi thúc chị Tươi hoàn thành tâm nguyện xây dựng một số cây cầu giao thông nông thôn tại quê chồng tại tỉnh Long An và quê hương mình trên huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).

Năm 2012 là năm đầu tiên Kim Tươi bắt đầu hành trình xây cầu. Cụ thể là cây cầu kiên cố tại xã Tân Phước với kinh phí xây dựng gần 700 triệu đồng, trong đó, gia đình chị đóng góp trên 300 triệu đồng, phần còn lại do địa phương vận động.

Bà Nguyễn Thị Tấm, ngụ xã Tân Phước xúc động kể: “Mấy mươi năm rồi, bà con ở đây mơ ước có được một cây cầu qua sông nhưng có được đâu. Bây giờ có cầu mới do cô Tươi xây dựng, bà con mừng quá. Ngày khánh thành cầu vui thiệt là vui. Chuyện thiệt mà cứ tưởng nằm chiêm bao”.

Không dừng lại đó, chị Kim Tươi tiếp tục vận động người thân trong gia đình xây dựng nhiều cây cầu kiên cố khác. Cụ thể chị đã vận động xây mới trên 30 cây cầu trên địa bàn tỉnh Long An. Riêng tại huyện Lai Vung, gia đình chị cũng vận động xây mới trên 32 cây cầu với kinh phí trên 8 tỷ đồng…

Kim Tươi kể thêm: “Toàn bộ số tiền xây dựng cầu là do các thành viên trong đại gia đình tôi đóng góp; tôi không tổ chức vận động, kêu gọi các tấm lòng vàng gần xa chung sức bởi đây là cái duyên nhân ái của gia đình chúng tôi”.

Việc làm nhân ái của chị Kim Tươi đã có sức lan tỏa rất lớn. Để góp sức với chị, Đội xây cầu thiện nguyện huyện Lai Vung cũng đã tình nguyện đảm nhận phần thi công miễn phí toàn bộ các cây cầu mới để vừa đảm bảo chất lượng, vừa giảm chi phí đầu tư.

Ông Võ Văn Lộc, đội trưởng đội xây cầu thiện nguyện huyện Lai Vung cho biết: “ Đội chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì đã hoàn thành hàng chục cây cầu kiên cố từ sự đóng góp của cô Tươi. Người ta trẻ mà từ tâm đến vậy, cớ sao mình không ủng hộ chứ”. Ông nói rất vui.

Chia tay chúng tôi, Kim Tươi nói quả quyết: Sẽ tiếp tục thực hiện hành trình xây cầu nông thôn đến khi “hết tiền” thì mới dừng lại. Một câu nói vui nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn đến dường nào.

TÔ PHỤC HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND TP. Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024, lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.