Nhiều năm nay, căn nhà khang trang nằm ở cuối thôn 3 (xã Trà Giang) luôn đón những bước chân của người làng tìm về. Họ đến để gặp ông Hồ Trường Sinh (65 tuổi), Người có uy tín trong cộng đồng người Co để chia sẻ câu chuyện của mình về những dự định cho phát triển kinh tế sắp được đầu tư. Họ muốn lắng nghe những góp ý từ ông, để có thêm kinh nghiệm thực hiện dự án.
Ông Sinh nói, đa số bà con đều học hỏi về việc trồng rừng, chính xác là trồng keo nguyên liệu để phát triển kinh tế. Mô hình này, nhiều năm trước chính ông cũng đã tự mày mò, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi mô hình sản xuất từ nương rẫy sang trồng rừng. Để thuận lợi cho việc xuất bán keo sau thu hoạch, ông Sinh đã đầu tư mua 1 chiếc xe tải; đồng thời sắm thêm 2 chiếc xe ô tô để phục vụ nhu cầu du lịch, đám cưới và kết hợp làm dịch vụ nấu ăn, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Mỗi năm, ông Sinh thu về khoản lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng.
“Có vốn, tôi tiếp tục quay vòng mở rộng thêm diện tích trồng keo, đồng thời mở quán tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 30ha diện tích trồng keo, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động”, ông Sinh chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Trà Giang nhận xét, không chỉ là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen về phát triển kinh tế rừng, ông Hồ Trường Sinh còn là điển hình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khó khăn tại địa phương. Từ việc hỗ trợ nguồn giống cây, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu đến cưu mang, nhận nuôi nhiều hoàn cảnh không nơi nương tựa. Mạnh dạn học tập kinh nghiệm làm kinh tế của ông Sinh, nhiều thanh niên ở xã Trà Giang đã lập nghiệp thành công từ mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Ngoài ra, với vai trò là Người uy tín trong đồng bào Co, ông Sinh đã vận động bà con trong thôn cam kết không xâm phạm tới diện tích rừng tự nhiên, xóa bỏ nhiều hủ tục, góp phần hòa giải nhiều vụ việc quan trọng trong cộng đồng dân cư.