Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người phụ nữ "hai vai" miệng nói tay làm

Mỹ Dung - 10:34, 17/10/2024

Từ một trong những thôn có số hộ nghèo cao nhất của xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) thì giờ đây Làng Mô không chỉ đi đầu về phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, mà còn là điển hình về đầu tư hạ tầng đồng bộ. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Mô - Vũ Thị Tươi. “Cán bộ thôn tận tụy và hết lòng” – đó là đánh giá của người dân khi nhắc về người phụ nữ "hai vai" bản lĩnh ấy.

Bà Vũ Thị Tươi (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cây quế theo định hướng trồng rừng gỗ lớn kết hợp với trồng giống lúa nương đặc sản địa phương
Bà Vũ Thị Tươi (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cây quế theo định hướng trồng rừng gỗ lớn kết hợp với trồng giống lúa nương đặc sản địa phương

Là một trong những hộ dân đến Ba Chẽ, theo chương trình xây dựng kinh tế mới từ năm 1979 nên bà Tươi đã có thời gian dài đồng hành với bà con nơi đây. Làng Mô là thôn có diện tích, dân số lớn thứ 2 trên địa bàn xã Đồn Đạc với 176 hộ, 50% là người DTTS. Làng Mô khi ấy khó khăn chồng chất, đến năm 2015 qua rà soát còn 36 hộ nghèo, 72 hộ cận nghèo; đường sá, kênh mương xuống cấp; đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ năm 2012 đến năm 2017, bà Tươi đứng vai trò trưởng thôn Làng Mô, cùng bà con vượt khó đi lên.

Năm 2017, toàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương thống nhất nhiệm kỳ Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với việc bầu Trưởng thôn (bản, khu phố) và mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn (bản, khu phố), bà Tươi được người dân tín nhiệm giao trọng trách “hai vai”. Từ đó đến nay, đã 7 năm nay, bà Tươi luôn thể hiện rõ vai trò, làm tròn trách nhiệm của mình ở cả "hai vai".

Nổi bật trong hoạt động của bà là luôn suy nghĩ tìm hướng giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Nhận thức được hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết để người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bà Tươi đã mạnh dạn đề xuất với huyện, xã hỗ trợ kinh phí đầu tư nhiều công trình hạ tầng từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Đề án 196 và vận động người dân trong thôn hiến đất, đóng góp ngày công...

Trên thực tế, gia đình bà Tươi cũng đã gương mẫu hiến 247 mét vuông xây dựng nhà văn hóa, gần 100 mét vuông làm đường liên xóm. “Vận động một lần chưa được thì vận động nhiều lần. Nhiều việc nếu mình chỉ nói bà con chưa nghe thì mình phải làm trước cho bà con thấy. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua”, bà Tươi trải lòng.

Cùng với đó, bà Tươi đã tổ chức nhiều buổi họp thôn, đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục người dân. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng nông thôn của Làng Mô đã được xây dựng với sự đóng góp lớn của người dân. Tiêu biểu: Tuyến đường liên thôn Đồng Giếng dài hơn 1km có 32 hộ dân hiến đất ở, đất ruộng, đóng góp hàng trăm ngày công làm đường; mương Khe Hoặc dài hơn 600m, phục vụ tưới tiêu cho 7,2ha đất sản xuất nông nghiệp của hai thôn Làng Mô và Tân Tiến với 10 hộ hiến gần 1.000 mét vuông đất...

Bà Vũ Thị Tươi (bên phải) thăm mô hình chăn nuôi giống gà
Bà Vũ Thị Tươi (bên phải) thường xuyên đến các hộ dân trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình

Ông Hoàng Văn Chu, dân tộc Tày, một người dân của thôn đã hiến hơn 1.000 mét vuông đất vườn làm đường liên xóm Đồng Giếng và xây mương cộng đồng phấn khởi nói: “Từ sự gương mẫu của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Thị Tươi, người dân trong thôn hiểu, đồng thuận hiến đất, góp công làm đường, xây dựng kênh mương phục vụ tưới tiêu sản xuất. Đến nay, Làng Mô đã khoác lên mình tấm áo mới với những công trình hạ tầng đồng bộ”.

Gỡ được “nút thắt” hạ tầng giao thông, bà Tươi lại tất tả ngược xuôi hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình kinh tế phát triển sản xuất, kết nối về nguồn vốn, con giống và tận tình “cầm tay chỉ việc” cho bà con trong thôn để phát triển kinh tế.

Từ một trong những hộ nghèo của thôn, nhưng đến nay đời sống của gia đình ông Vi Văn Bạn, dân tộc Tày đã được nâng lên rõ rệt với khoảng 6ha trồng keo, thu nhập khoảng 90 - 100 triệu đồng/năm.

“Trước cứ nghĩ chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh nghèo, cảnh đói. Nhưng sau đó như nhiều hộ dân khác, gia đình tôi đã được tuyên truyền, vận động vay vốn chính sách, định hướng trồng rừng nên thu nhập ổn định hơn rất nhiều”.

Tính đến năm 2024, thôn Làng Mô chỉ còn 1 hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều. Bí thư Đảng ủy xã Đồn Đạc Lưu Minh Thắng nhận xét: Đồng chí Vũ Thị Tươi là một cán bộ tâm huyết, mẫn cán với công việc của xã, của thôn; đã làm tròn nhiệm vụ là “cầu nối” ý Đảng với lòng dân, không chỉ nhanh chóng triển khai được các chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện, mà còn sâu sát, trách nhiệm, gắn bó với người dân, được Nhân dân tin yêu và luôn đồng tình ủng hộ trong mọi công việc.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.