Thanh Pháp, dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên ở làng quê Châu Hanh, thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tuổi thơ đam mê ca hát, gắn liền với văn hóa dân gian Chăm đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong anh. Con đường đến với nghệ thuật chuyên nghiệp bắt đầu mở ra với Thanh Pháp, khi anh thi đậu và theo học tại nhạc viên TP. Hồ Chí Minh vào năm 2003.
Sau khi ra trường, anh lại có cơ hội được thể hiện ước mơ của mình là đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc Chăm khi đội Văn nghệ dân gian Dân tộc Chăm được thành lập năm 2006, trực thuộc Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh (nay là Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh), tỉnh Bình Thuận. Kể từ đó Thanh Pháp đã gắn bó với nghề, cho đến nay anh là Phó Trưởng phòng Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh.
Qua 15 năm ca hát và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, hầu hết những ai yêu mến văn hóa Chăm đều biết đến Thanh Pháp, chàng ca sĩ có giọng hát nồng nàn, truyền cảm và mang nặng tình cảm quê hương, dân tộc. Cũng chính vì sự độc đáo của riêng mình, Thanh Pháp thường xuyên được mời tham gia biểu diễn vào nhiều chương trình lớn của đất nước. Anh cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng và bằng khen, trong đó có Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Không chỉ thành công trên lĩnh vực ca hát, Thanh Pháp còn bén duyên với việc sáng tác từ rất sớm. Từ năm 2008 đến nay, anh đã viết gần 60 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca và âm nhạc Chăm đã đi vào lòng người, được đông đảo bà con đón nhận, yêu thích như: Về thăm pháp cổ, Bắc Bình khúc hát tình quê, Ký ức Ka-tê, Xương rồng đất tháp… Đặc biệt ca khúc “Giấc mơ Shiva” của anh đã đạt giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
Là một người nghệ sĩ vốn nặng lòng với quê hương, đất nước. Khi chứng kiến dịch Covid-19 bùng phát và gây bao đau thương, mất mát cho đồng bào. Bên cạnh đó là những tấm gương xông pha, hy sinh nơi tuyến đầu của các lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên, Thanh Pháp ngoài việc đem lời ca, tiếng hát của mình để cổ vũ, động viên mọi người, anh còn sáng tác chùm ca khúc rất xúc động để gửi gắm những thông điệp và tình cảm của mình trong đại dịch.
Các ca khúc: Gửi bạn giữa đại dịch (phổ thơ Trung Nghĩa); Mẹ ơi (phổ thơ Bạch Văn Nguyên); Bình yên nhé; Vững niềm tin. Mỗi tác phẩm đều có câu chuyện riêng của nó, dù là phổ thơ, hay tự sáng tác cả nhạc và lời, thì Thanh Pháp đều xuất phát từ những rung cảm rất thật, rất nhân văn. Anh chia sẻ: “Mình là nghệ sĩ, thì cái mà mình làm được và làm tốt nhất trong lúc này để góp phần cùng cả nước chống lại dịch bệnh chính là là đem lời ca, tiếng hát, đem âm nhạc để cổ vũ động viên mọi người, bên cạnh đó âm nhạc cũng có thể xoa dịu nỗi đau”.
Có lẽ mong muốn lớn nhất lúc này của tất cả mọi người đó là đẩy lùi được dịch bệnh và sự bình yên lại trở về. Thanh Pháp cũng thế, với ca khúc “Bình yên nhé” anh gửi gắm: “Bình yên nhé quê hương tôi ơi. Rồi một ngày nắng hồng sáng tươi…”
Được biết chùm ca khúc của Thanh Pháp hiện đang được chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại tỉnh Bình Thuận sử dụng để phát trong nhiều chương trình văn nghệ và tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Thanh Pháp cho biết, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sáng tác và cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, đặc biệt là cho sự phát triển của văn hóa, âm nhạc Chăm.