Sinh ra và lớn lên ở vùng quê bạt ngàn những nương bông, tuổi thơ của bà Ngọn đã gắn liền với khung dệt, sợi vải và những tấm thổ cẩm đầy sắc màu. Bà Ngọn kể lại, khi còn nhỏ, bà thường trốn mẹ học lỏm kéo sợi, tranh thủ lúc người lớn vắng nhà là mày mò tập dệt, vì người Cao Lan có tục kiêng trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, đàn ông đến gần khung cửi.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi về con đường lưu giữ nghề dệt của dân tộc, bà Ngọn không quên nhắc lại kỷ niệm ngày bà đi lấy chồng. Năm bà lấy chồng, nhà nghèo nên quần áo cưới không có đôi dải yếm. Vì thế mẹ bà đã khóc. Bởi người Cao Lan quan niệm, con gái mới lớn, lập gia đình lần đầu phải đeo đôi dải yếm. Nếu không có dải yếm, coi như tái giá”. Từ đó, bà luôn đau đáu hoàn thiện kỹ năng dệt thổ cẩm, thêu hoa văn, cố gắng không để các con, cháu gái trong dòng họ về nhà chồng thiếu trang phục truyền thống trong ngày cưới.
Theo bà Ngọn, bộ quần áo của người Cao Lan có ba màu chủ đạo là chàm, nâu và đen. Các họa tiết gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, lao động như hình quả trám, hoa hồi, cây đa, chim bồ câu… được thêu tay, từng mũi chỉ đều tăm tắp mà không lộ gấu vải. Vì vậy, muốn dệt được tấm vải đẹp phải dành từ 12 đến 14 ngày, hoàn thiện, trang trí họa tiết bộ quần áo dài của nữ mất vài tháng hoặc cả năm.
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 70, do nhiều người dân tộc Cao Lan xuống núi định cư làm ăn sinh sống đã tác động rất lớn đến nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào. Trong làng, số người biết đến nghề thêu, dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống thay bằng những bộ trang phục hiện đại. Người trẻ không còn nhiệt tình với khung cửi, thêu, dệt thổ cẩm; người biết giữ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống không còn nhiều, khiến bà Ngọn trăn trở, suy nghĩ.
Năm 2006, UBND huyện Lục Nam đầu tư dự án khôi phục và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm ở bản Khe Nghè. Tranh thủ cơ hội, bà Ngọn đã cùng một số phụ nữ có tuổi trong thôn biết nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan đã thành lập một Câu lạc bộ (CLB) thêu, dệt thổ cẩm.
Khi CLB thêu, dệt thổ cẩm ở Lục Ngạn được thành lập, ngoài vốn kiến thức được bà và mẹ truyền dạy thì bà Ngọn còn tìm đến các tỉnh có đông đồng bào Cao Lan sinh sống như: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ... để học hỏi, sưu tầm những mẫu áo váy xưa về nghiên cứu cách thêu rồi truyền đạt cho những thành viên trong CLB.
Bà Ngọn chia sẻ: “Ban đầu, lớp học rất đông thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ có tuổi trong thôn. Sau dần, một số phụ nữ đành bỏ vì bận công việc gia đình. Lúc này, tôi lại đi đến “gõ cửa” từng nhà tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, rồi thuyết phục, vận động các hội viên trong CLB ra lớp”.
Sau một thời gian dài, với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà Ngọn về cách làm ra vải thổ cẩm, rồi cách thêu từng chi tiết hoa văn trên quần áo, nhiều người đã thêu, dệt thành thạo thổ cẩm và CLB lại đông vui hơn. CLB Thêu, dệt thổ cẩm ở thôn Khe Nghè đã sản xuất được nhiều sản phẩm thêu, dệt như: quần áo dân tộc, vỏ gối, khăn trải bàn, tranh treo tường, túi thơm, khăn tay, túi trầu, khăn chùm đầu của dân tộc Cao Lan. Hiện nay, CLB có gần 100 thành viên, chia làm 3 nhóm. CLB đã đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.
Với tâm huyết, nhiệt tình trong việc truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan, bà Trạc Thị Ngọn đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện và tỉnh. Năm 2015, bà Ngọn được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
HỒNG MINH