Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người nâng cao vị thế phụ nữ Mông

PV - 13:51, 29/01/2018

Ở Hà Giang có một người đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ Mông ở địa phương, giúp họ nâng cao vị thế trong gia đình. Chị là nghệ nhân Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang)-một trong 50 gương mặt được Tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Chị cũng là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu vừa được biểu dương tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai, người phụ nữ làm thay đổi định kiến về giới trong cộng đồng người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Nghệ nhân Vàng Thị Mai, người phụ nữ làm thay đổi định kiến về giới trong cộng đồng người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ.

 

Tôi đã vài lần gặp chị tại các sự kiện văn hóa ở Hà Nội, lúc ở Hoàng Thành Thăng Long, lúc ở vườn hoa Lý Thái Tổ, lúc ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia…, bao giờ cũng thấy chị tươi tắn, hồn hậu như một đóa hoa rừng.

Chia sẻ về công việc của mình, nghệ nhân Vàng Thị Mai cho biết, nhờ sự giúp đỡ của hai vợ chồng người Thụy Điển, năm 2001, HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám chính thức được thành lập, với số vốn ban đầu chỉ vọn vẹn 13 triệu đồng do chị Mai dành dụm được. 10 thành viên tham gia vào HTX đầu tiên được chị Mai cầm tay chỉ việc để làm ra những tấm vải lanh đẹp nhất.

Vừa đứng ra tập hợp chị em phát triển nghề trồng lanh dệt vải, chị Mai vừa đôn đáo đi khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chị đã hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Craftlink… để tranh thủ sự hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường, đồng thời giúp các xã viên làm quen với các hoa văn, họa tiết, sản phẩm mới.

Đặc biệt là, việc ký kết hợp tác với Association Batik International-một tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp để tạo điều kiện cho xã viên được tham gia tập huấn, nâng cao tay nghề, tiếp cận máy móc hiện đại, làm ra nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt hơn…

Đến nay, sau 20 năm làm Hội trưởng Phụ nữ Lùng Tám và 17 năm Chủ nhiệm HTX dệt lanh Hợp Tiến, nghệ nhân Vàng Thị Mai đã quy tụ được 130 phụ nữ Mông ở 3 xã trên địa bàn huyện Quản Bạ vào chung một “mái nhà”. Hằng tháng, HTX đảm bảo mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/xã viên. Năm 2016, HTX đã có lợi nhuận lên tới 800 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi xã viên đều có mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.

Khi chị em xã viên làm ra kinh tế, chủ động được nguồn thu nhập, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội cũng được nâng lên. Chị Sùng Thị Chỏ, nhà ở thôn Hợp Tiến, một xã viên chia sẻ: “Bây giờ chồng mình đã đồng ý cho trồng cây lanh thường xuyên rồi. Trước kia thì không cho đâu, chỉ cho trồng cây ngô, cây đậu thôi”.

Theo lời chị Vàng Thị Mai, trước kia, hầu như các ông chồng người Mông ở Lùng Tám không bao giờ đồng ý cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, nhưng bây giờ thì khác rồi. Khi có hội chợ ở ngoài TP. Hà Giang hay ở Hà Nội, chị em đều được gia đình tạo điều kiện cho đi xa cả tuần mà không gây khó dễ, chị Mai chia sẻ.

Hiện nay, nghệ nhân Vàng Thị Mai đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ra các địa phương khác. Chị đặt mục tiêu, giai đoạn 2017-2020, HTX sẽ có thêm 50ha trồng lanh, thu hút 400 thành viên vào HTX, mỗi thôn sẽ có một nhóm xã viên khoảng 10 người. Chị cũng có dự định đào tạo các bạn trẻ biết dùng máy tính, làm du lịch, bán được hàng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại hộ gia đình.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.